Bắt cóc trẻ em đang dần trở thành một nỗi lo lớn đối với các bậc phụ huynh, vì hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Những kẻ bắt cóc càng ngày càng trở nên táo tợn và sử dụng những hình thức tinh vi hơn. Hãy cùng tham khảo các cảnh báo dưới đây để tìm được những phương án đề phòng phù hợp, đảm bảo an toàn cho con cái của bạn.
1. Đóng giả nhân viên giao hàng, thợ điện, nước…
(Ảnh: Afamily)
Hiện nay các gia đình thường xuyên xử dụng dịch vụ giao đồ tại nhà (đồ ăn và các loại hàng hóa khác). Bên cạnh tính tiện dụng và tiết kiệm thời gian, hình thức mua hàng này có thể tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho sự an toàn của trẻ. Hãy tham khảo bài học được một bà mẹ trẻ người Trung Quốc chia sẻ:
Hôm đó, chỉ có cô cùng con trai ở nhà. Cậu bé đang chơi một mình trong phòng khách thì có chuông cửa. Người đàn ông lạ mặt tự nhận là nhân viên giao đồ ăn. Tuy vậy, người đàn ông thuyết phục con trai chị đi cùng ông ta:
– Chú rất xin lỗi, chú để quên nước ngọt mẹ cháu đặt dưới xe rồi, cháu có thể giúp chú xuống lấy và mang lên không?
Người mẹ nghe thấy tiếng chuông và không yên tâm nên chạy ra xem. Cô phát hiện con trai không còn trong phòng. Khi lao đi tìm con, cô thấy cậu bé đã chuẩn bị bước vào thang máy cùng “nhân viên giao hàng mạo danh”.
Với bộ đồng phục của người giao hàng và những dụ dỗ chứa đựng các nhân tố mà trẻ em yêu thích (“kẹo”, “nước ngọt”), những kẻ lạ mặt hoàn toàn có thể khiến các con không chút nghi ngờ, tự nguyện đi theo.
Biện pháp đề phòng:
Trong trường hợp này, người lớn cần trò chuyện để trẻ hiểu về những nguy hiểm trẻ có thể gặp khi đi theo những người lạ mà không thông báo với bố mẹ. Bạn có thể tập cho con thói quen nhất quyết phải xin phép bố mẹ khi đi ra ngoài cùng ai đó. Nhưng hãy lý giải cho trẻ tại sao lại có nguyên tắc này để tránh cho trẻ có cảm giác “không muốn nghe lời”.
2. Bám theo sau chờ cơ hội bắt cóc trẻ em
(Ảnh: Afamily)
Khi lưu thông trên đường, các cha mẹ cùng cần nâng cao sự cảnh giác của mình. Tháng 08 năm 2016, tại Trung Quốc, một camera an ninh đã ghi nhận được một trường hợp bắt cóc trẻ em ngay trên xe. Kẻ xấu có thể đã bám theo người mẹ và đứa con từ trước. Trong vòng chưa đầy một phút, với động tác nhanh gọn, người đàn ông đã nhấc em bé ra khỏi xe và bế đi mà người mẹ không hề hay biết.
Một tài khoản khác trên mạng xã hội Trung Quốc cũng tường thuật lại một trường hợp bắt cóc tại ga tàu. Em bé đã bị bắt đi ngay trên tay bố mẹ mình, khi họ vội vã lên tàu. Lợi dụng cảnh chen lấn và sự không chú ý của các phụ huynh, kẻ xấu đã giật lấy đứa trẻ và nhanh chóng lẩn vào đám đông.
Biện pháp đề phòng:
Khi ở dắt trẻ đi ngoài đường, người lớn cần chú ý quan sát xung quanh, nếu phát hiện có dấu hiệu ai đó đang bám theo hoặc đang có ý định tiếp cận mình, cần phải đề cao cảnh giác, kéo trẻ lại gần mình hơn.
Khi di chuyển bằng các phương tiện như xe máy hoặc xe đạp, nên đeo dây lưng hoặc địu vừa đề phòng trẻ ngủ gật, vừa để bảo vệ trẻ khỏi ý định bắt cóc của kẻ xấu. Hơn nữa, người lớn có thể tích cực trò chuyện cùng trẻ trên suốt hành trình. Điều đó khiến trẻ tỉnh táo và bạn cũng sẽ biết được con mình luôn an toàn.
Hạn chế để những người cao tuổi đi một mình cùng các trẻ em quá nhỏ. Người lớn tuổi thường có phản xạ không nhanh nhạy, trẻ quá nhỏ chưa có khả năng tự vệ luôn là đối tượng nhắm tới của những kẻ có mưu đồ xấu.
3. Đánh lạc hướng khiến phụ huynh lơ là cảnh giác
(Ảnh: Afamily)
Những kẻ xấu có thể hoạt động theo nhóm nhằm mục đích làm phân tán sự chú ý của bạn đối với trẻ. Một trong số chúng có thể nhắc nhở bạn “Con làm rơi giày rồi kìa”. Bạn sẽ theo phản xạ mà quay lại tìm. Đây chính là cơ hội mà chúng chờ đợi, một kẻ khác sẽ bắt con bạn đi trong khi bạn vẫn mải mê tìm chiếc giày.
Biện pháp đề phòng:
Nâng cao sự đề phòng cảnh giác của chính bạn. Khi ở nơi công cộng, hãy đảm bảo rằng bạn luôn để trẻ xuất hiện trong tầm mắt mình. Sử dụng điện thoại, chơi trò chơi hoặc đọc sách đều không phải là những hoạt động thích hợp khi bạn đi cùng trẻ tới những nơi đông người. Làm việc riêng sẽ khiến bạn trở nên xao nhãng trẻ và kẻ xấu dễ bề lợi dụng.
Thêm vào đó, hãy trang bị cho trẻ cách tự vệ: Hét lên lúc có người lạ tiếp cận mình, dùng những hành động cơ thể như đạp, đá, cắn nếu trường hợp kẻ lạ mặt bịt miệng, không cho trẻ hét.
4. Dựng hiện trường hỗn loạn
(Ảnh: Afamily)
Đây là một thủ đoạn rất tinh vi của những kẻ bắt cóc hiện nay. Chúng sẽ tạo dựng một hiện trường giả, khiến người ngoài cuộc nhầm tưởng rằng đó là một mẫu thuẫn gia đình và không can thiệp.
Một người mẹ đang đẩy con bằng xe nôi trên đường. Bỗng có một người đàn ông tới vừa đánh cô, vừa to tiếng: “Tại sao con đang ốm lại đưa ra ngoài”. Một người phụ nữ lớn tuổi khác sẽ nhanh chóng muốn bế lấy đứa trẻ với lý do “cháu tôi cần đi bệnh viện gấp, nó đang sốt rất cao”. Trong tình huống bất ngờ như vậy, điều đầu tiên là bạn cần giữ chặt con một cách an toàn, để không ai trong nhóm những kẻ xấu có thể bồng trẻ.
Không cãi nhau với những kẻ lạ mặt. Cầu cứu và liên tục khẳng định với những người xung quanh về việc bạn không quen biết những người này. Điều đó sẽ khiến những người xung quanh nghi ngờ và gọi sự trợ giúp của cảnh sát.
5. Nhắm thời cơ trẻ chỉ có một mình
(Ảnh: Afamily)
Một người mẹ Trung Quốc sau 11 năm mất con đã bắt gặp con mình đang ăn xin trên phố. Cậu bé bị cắt lưỡi và hai chân. Con trai cô đã bị bắt cóc khi đang chơi một mình trong sân nhà trong khi cô phơi quần áo trên sân thượng.
Trên mạng xã hội Việt Nam thời gian qua cũng có những chia sẻ về việc trẻ em bị bắt cóc khi đang chơi đùa cùng nhau nhưng không có sự giám sát của người lớn. Chia sẻ của chị chính là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh.
(Ảnh: phunutoday)
Biện pháp đề phòng:
Khi các trẻ chơi đùa phải luôn có ít nhất một người lớn trông nom, giám sát. Bởi các bé yếu ớt, không thể chống cự được với người lạ. Đồng thời cũng không thể bảo vệ bạn bè trước sự hung dữ của người lớn như trường hợp được chia sẻ trên tại Việt Nam. Chỉ một phút bất cẩn và buông lơi của người lớn cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Hải Lam tổng hợp / ĐKN
Post a Comment