Trường hợp xuất khẩu thép của Trung Quốc được cho là đã đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hồi năm 2016-2017 có thể khiến Việt Nam bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình.

Đây là nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2018 được công bố chiều ngày 10/4.

Kinh tế Việt Nam còn bất định trước căng thẳng Mỹ- Trung

Báo cáo của VEPR cho biết, tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố kế hoạch tăng thuế lên mức 25% với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Trump cũng yêu cầu Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ trong năm 2018.

Ở chiều ngược lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng thuế lên mức 25% với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ làm suy giảm kim ngạch thương mại hai cường quốc trong thời gian tới.

"Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc. Trước hết, xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ.

Trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% giá trị xuất khẩu của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc", VEPR cho biết.

Báo cáo của VEPR cũng cho rằng, mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc nhưng nếu các căng thẳng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động kinh tế trực tiếp lớn hơn Mỹ. Sự chệch hướng thương mại có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các bên muốn tìm một đường vòng để đi vào sân nhà của đối thủ.

"Trường hợp xuất khẩu thép của Trung Quốc được cho là đã đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hồi năm 2016-2017 là một ví dụ. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình.

Điều này càng đặc biệt đáng lo ngại khi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam", TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhấn mạnh.

Đại diện VEPR cũng cho rằng, chính từ nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng cao đột biến 7,38% của quý 1, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR vẫn tin tưởng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra là khả thi, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì.

GDP 2018 có thể tăng 6,83%

Trên cơ sở phân tích tình kinh tế thế giới và Việt Nam, nhóm nghiên cứu VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế quý 2, quý 3, quý 4/2018 của Việt Nam lần lượt là 6,51%, 6,84% và 6,75%. Lạm phát lần lượt là 3,44%; 3,84% và 4,21%.

Tựu chung lại, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm 2018 sẽ đạt 6,83%.

Để đạt được mục tiêu này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, Chính phủ cần phải lưu ý một số vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước.

Cụ thể, việc ký kết Hiệp định CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm.

VEPR nhất trí với phương án giảm tỷ trọng thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô. Tuy nhiên, để bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo tăng thuế suất VAT.

"Chúng tôi cho rằng việc tăng thuế suất VAT một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách", TS Nguyễn Đức Thành đại diện cho nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Để đảm bảo cân đối thu chi, VEPR cho rằng cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất.

"Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế. Một giải pháp đi liền là duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên. Bởi chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, một phần nguyên nhân tới từ bộ máy Nhà nước và đoàn thể chính trị cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả.

Nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước như đã và đang thực hiện trong thời gian qua", VEPR nhận định.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top