Theo Chính phủ, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách.
Sáng 10/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Về sự cần thiết ban hành luật, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, hiện nay, biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới.
Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra, do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực (vụ giàn khoan HD 981 năm 2014; HD 760 năm 2017,…); các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Vì vậy, dẫn tới nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn.
Tuy nhiên, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về cảnh sát biển Việt Nam hiện nay mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết.
Gồm 8 chương, 49 điều, dư thảo luật quy định vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm.
Dự thảo cũng quy định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của cảnh sát biển Việt Nam; xác định phạm vi hoạt động, quyền hạn và biện pháp công tác Cảnh sát biển Việt Nam.
Luật quy định hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó, chú trọng quy định cụ thể các hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân, đảm bảo tuân thủ quy định Hiến pháp 2013 và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành...
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành, song đề nghị thể hiện rõ hơn một số nội dung cụ thể trong dự thảo, trong đó có địa vị pháp lý của cảnh sát biển Việt Nam.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, để bảo đảm trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc: một tổ chức có thể làm được nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một tổ chức chịu trách nhiệm.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc nâng cấp Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam lên thành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, tán thành sự cần thiết phải ban hành luật này.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc trình dự án luật ra kỳ họp thứ 5 sẽ khai mạc cuối tháng 5 tới đây để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phó chủ tịch lưu ý, dự thảo luật xác định cảnh sát biển Việt Nam là lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời bổ sung chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. So với pháp lệnh hiện hành, vị trí, chức năng của cảnh sát biển có sự bổ sung thay đổi đáng kể, cần tiếp làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này để đảm bảo tương đồng với các lực lượng khác.
Theo phó chủ tịch, thực thi pháp luật trên biển hiện nay không chỉ có cảnh sát biển mà còn nhiều lực lượng khác tham gia như hải quân, hải quan, kiểm ngư, biên phòng, tự vệ biển. Với tính chất đặc thù hoạt động trên biển, việc xác định chức năng của cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, không tạo ra "điểm trống" trên biển nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan tổ chức khác.
Post a Comment