Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải thích khi thay đổi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT sẽ giúp linh động hơn trong điều chỉnh giá. Tuy nhiên, chuyên gia từ Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng thu giá sẽ khiến BOT tiêu cực hơn thời gian qua.
Đổi trạm thu giá để điều chỉnh linh động hơn
Thuật ngữ thu phí BOT và thu giá BOT đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lý giải, phí do Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác.
"Từ khi chuyển qua giá, giá sẽ được cân đối theo phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua Hội đồng nhân dân quyết nên rất chậm. Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều", Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói và cho biết, việc này không phải do Bộ Giao thông Vận tải quy định mà theo quy định trong Nghị định của Chính phủ.
Ví dụ sản phẩm do nhà máy sản xuất thì họ đưa ra giá bán, và BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, cũng tương tự như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng về nguyên tắc vẫn có điều tiết theo thị trường. Trong lĩnh vực này, không phải sản phẩm anh làm ra là tự ấn định giá mà phải ký hợp đồng với Bộ để giám sát điều này.
Khi doanh nghiệp muốn tăng giá phải đăng ký với Bộ. Bộ sẽ xem xét, khi nào cảm thấy hài hoà hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh.
Bản chất có thay đổi khi đổi tên từ "phí" sang "giá" - về việc này, ông Thể nói mỗi giai đoạn lịch sử, khả năng chịu đựng của nền kinh tế khác nhau. Chủ trương hiện nay là giảm thấp nhất các chi phí hàng hóa. Về bản chất nhà đầu tư bỏ tiền phải có lãi, thu cao thì thời gian ngắn, thu thấp thì thời gian dài.
Trước đây, mỗi lần thay đổi mức phí rất khó khăn vì liên quan nghị quyết Hội đồng nhân dân địa phương. Khi chuyển sang giá, việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn mà bản chất nhà đầu tư hưởng vẫn như vậy.
Đổi thành trạm thu giá sẽ tiêu cực hơn?
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Dự án BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Bản chất dự án BOT là dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Doanh nghiệp dự án chỉ được quyền khai thác công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước.
Đây là một khái niệm rất thống nhất trên thế giới và cũng đã được thể chế hóa trong Nghị định về PPP ở Việt Nam.
Thời điểm Luật Phí và lệ phí có hiệu lực đầu năm 2017 mà cuối năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ra Thông tư 35, đây chính là văn bản đầu tiên của thuật ngữ "thu giá".
"Một cách lách Luật phí và lệ phí, nhưng theo tôi việc này không cần thiết bởi không phải cứ gọi là phí thì phải chịu sự điều tiết Luật Phí và lệ phí", ông Thành nêu quan điểm.
Ông Thành cho biết thêm, trong danh mục Luật Phí và lệ phí không có BOT nhưng dù như vậy vẫn có thể gọi là phí một cách bình thường. Bởi không phải bất kỳ loại phí nào cũng chịu điều tiết của luật này, chẳng hạn như phí ngân hàng, phí dịch vụ hàng không…
Về giải thích của Bộ trưởng Giao thông Vận tải khi thay đổi trạm thu phí thành trạm thu giá, ông Thành nói đó là khái niệm mới này sẽ giúp linh động trong cách thay đổi giá.
"Nếu đàm phán với nhau thay đổi được giá thì BOT sẽ tiêu cực hơn so với giai đoạn vừa qua. Bộ nói khi gọi là giá, chi phí đầu tư giảm xuống thì sẽ chủ động giảm giá nhưng thực tế mấy trường hợp giảm được. Đó là lý do tại sao người dân sẽ nghĩ việc "linh động" để giảm thì ít mà tăng thì nhiều", ông Thành nhận định
Do đó, theo ông Thành, nên đổi lại là trạm thu phí thay vì "trạm thu giá" để đưa về đúng bản chất.
Post a Comment