Chỉ có 12 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2018 tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch trong Báo cáo đánh giá bổ sung lần này đã giảm đi 1 chỉ tiêu. "Đó là chỉ tiêu tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP, chỉ đạt 0,5%, thấp hơn đáng kể so với con số 1,5% đã được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội trước đó", ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Theo ông Phương, nguyên nhân là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất. "Tuy nhiên, chỉ tiêu này trong kỳ họp Quốc hội trước đã cho phép đánh giá theo giai đoạn 5 năm thay vì từng năm mới hản ánh được sự thay đổi của chỉ tiêu này. Phải đợi hết kế hoạch 2016-2020 mới có tính toán chính xác", ông Phương nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này, theo ông Phương, có 3 chỉ tiêu sau khi được tính toán lại (cập nhật số liệu quý 4/2017) là tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI), tỷ lệ giảm nghèo đã vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội.
Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 6,81% (cao hơn so với số trước là 6,7%), tốc độ tăng CPI bình quân là 3,53% (số báo cáo là 4%) và giảm tỷ lệ hộ nghèo là 1,51% (cao hơn so với số dự tính 1-1,5%).
Đánh giá chung về kết quả kinh tế xã hội năm 2017, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc đạt được 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch là kết quả tích cực trong bối cảnh số lượng các chỉ tiêu vượt mục tiêu trong những năm trước thường không nhiều và năm 2017 được xác định là năm có nhiều thách thức và hạn chế.
"Kết quả khả quan này sẽ tạo đà cho những năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020. Cái này có được là nhờ quyết tâm của Chính phủ khi ngay từ đầu năm đã nhận định nếu 2017 không vượt qua được khó khăn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả của cả giai đoạn 5 năm", ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, trong năm 2017, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao. Chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... đều tiến bộ.
Đặc biệt là niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như nỗ lực của Chính phủ. "Niềm tin lấy được đã rất khó nhưng giữ được còn khó hơn. Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải có những giải pháp tổng thể chứ không phải là một vài hành động", ông Phương nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Phương thừa nhận, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục và vượt qua. Tăng trưởng kinh tế quý 1/2018 khá cao ở mức 7,38% nhưng theo ông Phương, đây là điều đáng lo vì có thể tạo ra tâm lý xả hơi, chùng xuống trong các hoạt động kinh tế.
"Ngay cả IMF cũng cảnh báo kết quả tích cực này có thể sẽ tạo ra tâm lý chủ quan với những việc chúng ta đang làm. Hơn nữa là do mô hình tăng trưởng GDP có đột biến nhờ Samsung và Formosa nhưng kinh tế 2018 chưa nhìn rõ và định hình", ông Phương phân tích.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng, trong kỳ họp của Thủ tướng ở miền Trung, Formosa cho biết kế hoạch khởi động lò cao số 2, điều này tác động tới GDP nhưng Samsung chưa tiết lộ kế hoạch mới và điều này, có thể dự báo tập đoàn này sẽ không có nhiều đột biến so với 2017.
"Điều này có thể khiến các quý cuối năm GDP chùng xuống. Cái này là khách quan chứ không phải nói rằng năng lực kinh tế yếu đi mà phần tăng trưởng năm nay không bằng năm ngoái", ông Phương nhận định.
Liên quan tới chất lượng tăng trưởng, có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng nhưng theo ông Phương, đây là nhận định không công bằng. Vị này cho rằng, chất lượng tăng trưởng đã cải thiện nếu nhìn vào chỉ số về tốc độ tăng trưởng (từ 2011 đến nay, bình quân trên 6%, đây là tốc độ khá); chỉ số TFP đang tiến bộ dần trên 40%; năng suất lao động có cải thiện (so với yêu cầu cần đẩy nhanh hơn nữa); thu nhập bình quân đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người, gần gấp đôi so với cách đây 7 năm và gấp 3 lần so với 2007.
Về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2018, ông Phương cho rằng, nền kinh tế nghiêng về yếu tố thuận lợi. Ngay cả IMF, ADB và WB đều có những dự báo khả quan về tăng trưởng trong năm 2018.
Tuy nhiên, vị này cảnh báo, sức ép lạm phát có thể gia tăng, thuế nhập khẩu giảm do quá trình hội nhập có thể làm giảm khả năng tăng trưởng, chính sách tài khoá và tiền tệ hạn hẹp làm ảnh hưởng khả năng huy động vốn cho nền kinh tế.
Post a Comment