"Thực ra chúng ta ngụy biện, chúng ta là những công chức nhà nước, nếu nói một cách sòng phẳng đã ăn lương của nhà nước, mà lương đó là dân góp, thuế của dân thì tất cả những yêu cầu của dân chúng ta phải làm, đó là nguyên tắc".
Những lời này được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh khi tranh luận về có nên mở rộng hình thức hình thức tố cáo hay không, khi Quốc hội tiếp tục xem xét dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 24/5.
Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 4 có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp
Kết quả phiếu lấy ý kiến cho thấy cả 2 loại ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý.
Do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp thêm ý kiến.
Và, cuộc tranh luận về hình thức tố cáo tiếp tục với nhiều ý kiến giữ nguyên hai hình thức như luật hiện hành.
Tố cáo được trình bày bằng lời nói qua điện thoại với cơ quan chức năng, cá nhân có thẩm quyền dễ xảy ra tình trạng tố cáo nặc danh, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét giải quyết. Hơn nữa, việc tố cáo nặc danh, sai sự thật, vu khống, bôi nhọ sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, quyền lợi người bị tố cáo những nội dung tố cáo sai sự thật, đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) lo ngại.
Đề nghị bỏ hình thức tố cáo qua điện thoại, đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cho rằng hình thức này rất khó đảm bảo với yêu cầu của tố cáo là phải đảm bảo tính chính xác của thông tin tố cáo và nội dung phải rõ ràng.
Hơn nữa, khi cá nhân tố cáo qua điện thoại người tiếp nhận vẫn phải hướng dẫn người tố cáo viết thành văn bản hoặc ghi nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc xác nhận. Do đó, về thực chất quy trình lại quay về tố cáo bằng văn bản.
Ngoài ra, việc áp dụng hình thức tố cáo bằng lời nói qua điện thoại rất mất thời gian cho quá trình xác minh danh tính người tố cáo, xác minh tính chính xác của thông tin tố cáo gây áp lực công việc cho các cơ quan trực tiếp giải quyết tố cáo.
Những phân tích này nhận được sự đồng tình của đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng).
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói ông không đồng tình với ý kiến nói rằng phải bỏ tố cáo qua điện thoại.
Cách đây 13 năm, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đã quy định: "cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. 13 năm rồi, Quốc hội đã chấp nhận vấn đề này, vậy mà công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Bây giờ tại sao lại bỏ đi, tôi thấy không đúng", ông Cầu lập luận.
Khẳng định tố cáo là quyền hiến định, ông Cầu nhấn mạnh cần tạo điều kiện cho công dân tố cáo và có trách nhiệm trả lời đầy đủ. Nếu bỏ hình thức tố cáo qua điện thoại sẽ mất đi một kênh thông tin rất quan trọng.
Lý lẽ của đại biểu Cầu không thuyết phục được một số đại biểu phát biểu sau. Nhưng nhận được sự đồng tình của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
"Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, nếu không dùng điện thoại thông minh có nghĩa đã quay lại thời kỳ 0.4", ông Nhưỡng nói. Theo đại biểu Nhưỡng, điện thoại là trực tiếp chứ không phải gián tiếp không nên thoái thác rằng đây là vấn đề khó khăn để từ chối việc tố cáo qua điện thoại.
Lập luận của đại biểu Cầu và đại biểu Nhưỡng nhận được sự đồng tình của đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội).
Ông Chính cho rằng, hiện nay phương thức chuyển tải thông tin qua fax, thư điện tử, đặc biệt điện thoại đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước. Đây là những phương thức chuyển tải thông tin rất ưu việt, giúp tiết kiệm về thời gian, công sức của người chuyển tải và tiếp nhận thông tin.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề nghị không chấp nhận tố cáo qua điện thoại.
Thêm một lần giơ biển, đại biểu Cầu phân tích thêm tính khả thi của tiếp nhận tố cáo qua điện thoại.
Như vậy, đã qua ba kỳ họp và dự kiến thông qua tại kỳ họp này, một số quy định tại dự thảo luật tố cáo vẫn chưa thể thống nhất cao, nhất là về hình thức tố cáo.
Post a Comment