Dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến, theo Chính phủ cần được giám sát chặt chẽ.
Vay mới trả nợ gốc
Gửi báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch 2018, Chính phủ cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2018 là 341.770 tỷ đồng.
Gồm, vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương 195.000 tỷ đồng (bằng 3,54% GDP). Vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương 146.770 tỷ đồng. Dự kiến rút vốn vay nước ngoài để vay về cho vay lại trong năm 2018 khoảng 1.850 triệu USD (tương đương khoảng 42.230 tỷ đồng).
Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2018 khoảng 275.330 tỷ đồng. Bao gồm, nghĩa vụ trả nợ trong nước 216.654 tỷ đồng, trong đó trả gốc 116.655 tỷ đồng và trả lãi 99.909 tỷ đồng.
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trực tiếp của ngân sách Trung ương là 40.206 tỷ đồng, trong đó trả gốc 30.115 tỷ đồng và trả lãi 10.091 tỷ đồng.
Nghĩa vụ trả nợ của các dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ ở mức khoảng 18.560 tỷ đồng, trong đó trả gốc 12.939 tỷ đồng và trả lãi 5.621 tỷ đồng.
Nguồn trả nợ của Chính phủ gồm bố trí trong cân đối ngân sách trung ương để trả lãi 110.000 tỷ đồng. Vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng.
Quỹ tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay lại trực tiếp thực hiện trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại khoảng 18.560 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo nêu rõ định hướng về hạn mức bảo lãnh của Chính phủ năm 2018 và các năm tiếp theo là: "Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các khoản vay mới; đối với hai ngân hàng chính sách, bảo lãnh phát hành mới bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm".
Với định hướng này, hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.670 tỷ đồng và hạn mức bảo lãnh phát hành cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 24.430 tỷ đồng (bằng số nợ gốc trái phiếu đến hạn trong năm).
Hạn mức vay thương mại nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh năm 2018 là 700 triệu USD.
Hạn mức bảo lãnh vay trong nước ròng của Chính phủ trong năm 2018 cho các chương trình, dự án đã được Chính phủ cấp bảo lãnh trước đây tối đa là 2.000 tỷ đồng.
Kế hoạch vay của địa phương trong năm 2018 là 21.513,9 tỷ đồng (gồm vay trong nước 8.769,6 tỷ đồng; vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 12.744,3 tỷ đồng).
Lo nợ vượt ngưỡng
Theo báo cáo, để đảm bảo an toàn nợ nước ngoài quốc gia, hạn mức rút vốn ròng vay nước ngoài trung dài hạn hàng năm là 5,5 tỷ USD, mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm từ 8-10%.
Tính đến 31/12/2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia so với GDP là 49% GDP, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia được Quốc hội phê duyệt (50%GDP).
Chính phủ cho biết, trường hợp thực hiện theo hạn mức được phê duyệt tại Quyết định 544/QĐ-TTg (phương án kiểm soát mức giải ngân, nghĩa là hạn mức vay thương mại nước ngoài trung và dài hạn của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả là 5,5 tỷ USD và dư nợ vay ngắn hạn tăng ít nhất là 8%), thì dự kiến chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia/GDP năm 2018 ước tính là 50,9% GDP, vượt ngưỡng nợ 50% do Quốc hội phê duyệt.
Do đó, để đảm bảo an toàn nợ nước ngoài quốc gia, Thủ tướng phê duyệt hạn mức 2018 vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa 5 tỷ USD.
Dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn cuối năm 2018 của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không vượt qúa số dư nợ vào thời điểm 31/12/2017.
Với dự kiến như trên, Bộ Tài chính dự báo đến cuối năm 2018, nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,9% GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh là 8,8% GDP, nợ Chính, báo cáo nêu rõ.
Sẽ kiểm soát chặt
Đánh giá tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nợ công, Chính phủ nhấn mạnh một số điểm cần tiếp tục giám sát chặt chẽ và lưu ý.
Đó là giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài của Chính phủ còn chậm do công tác giao kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án còn chưa sát với tiến độ thực hiện dự án, nhiều đợt điều chỉnh vốn dự toán được giao dẫn đến nhiều bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án gặp khó khăn trong giải ngân vốn vay nước ngoài.
Phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn chỉ tập trung vào các sản phẩm trái phiếu truyền thống (trái phiếu lãi suất cố định, thanh toán lãi định kỳ hàng năm), chưa có thêm sản phẩm để đa dạng hóa thị trường.
Đặc biệt, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến, cuối năm 2017 ở mức 21,9 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2016 (trong đó có khoản vay nước ngoài ngắn hạn của công ty Vietnam Beverage khoảng 5 tỷ USD).
Trong khi đó, theo Quyết định số 544/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018, hạn mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm tối đa 10%/năm.
Việc tăng đột biến dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài (nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng) khiến dư nợ nước ngoài quốc gia so với GDP năm 2017 tăng lên 49% GDP, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia (50% GDP) theo các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng, ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong các năm tiếp theo, Chính phủ nhìn nhận.
Phần giải pháp, Chính phủ "hứa" kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp (cả vay trung, dài hạn và ngắn hạn) theo hình thức tự vay tự trả.
Thực hiện đánh giá toàn diện về tình hình vay trả nợ nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng để chủ động giảm dư nợ vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả, nhất là các khoản vay ngắn hạn để đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong hạn mức được duyệt.
Kiểm soát dư nợ nước ngoài ngắn hạn cuối năm 2018 của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng bằng dư nợ cuối năm 2017.
Post a Comment