Tôi và vợ cùng quê, bằng tuổi và có một con trai nhỏ 6 tuổi. Vợ tôi thẳng tính, bộc trực, nghĩ sao nói vậy, ngoại giao với hàng xóm láng giềng rất tốt. 2 năm gần đây, công việc làm ăn của tôi gặp khó khăn. Thời gian này, tôi chấp nhận ở nhà cơm nước, đưa đón, chăm sóc con cho vợ phấn đấu làm việc. Tôi không cờ bạc, cá độ, trai gái hay nhậu nhẹt vô độ.

Từ khi vợ tôi chuyển sang công ty mới, cô ấy quay ngoắt 180 độ, nói xấu tôi đủ điều với hai bên nội ngoại, làm việc không giờ giấc, hay kiếm cớ gây chuyện đòi ly hôn. Tôi chỉ lo cho con không đầy đủ bố mẹ và bị sốc tâm lý. Là vợ chồng, chỉ nhác qua tôi biết vợ đang bị tác động từ người thứ ba. Tôi không phải người nhu nhược hoặc không biết gì, mà vì ở chung cư, tôi không muốn làm to chuyện rồi xấu mặt nhau. Tôi cố gắng nhẫn nhịn coi như không có gì. Giờ cô ấy chỉ cần ký thoả thuận nhường quyền nuôi con cho tôi, tôi sẵn sàng ký đơn ly hôn ngay lập tức. Rất mong chuyên gia và các bạn cho tôi xin lời khuyên và giải pháp.

Thái

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hằng gợi ý:

Thái thân mến,

Hai vợ chồng bạn có con trai 6 tuổi, thời gian chung sống cũng khá dài nên nếu có điểm không hài hòa về tính cách, chắc chắn cả hai đã nhận ra. Nhất là khi vợ bạn là một người bộc trực, thẳng thắn, cô ấy sẽ không ngại nói ra những điều không hài lòng về chồng. Việc vợ bạn “nói xấu bạn đủ điều” lại chỉ mới xuất hiện từ sau khi cô ấy thay đổi công việc. Vậy nghĩa là những điểm xấu của bạn chỉ mới xuất hiện; hoặc do điều kiện sống hiện tại khiến cô ấy cảm thấy bạn và những việc bạn làm trở nên xấu xí.

Thực ra, chuyện làm ăn có lúc thăng lúc trầm là hết sức bình thường. Nhưng không phải vì gặp khó khăn, thất bại mà bạn ngừng cố gắng hay chấp nhận đầu hàng. Việc bạn chọn phương án lui về chăm con, cơm nước phục vụ gia đình là đánh dấu một bước lùi trong sự nghiệp. Đàn ông không đi làm, không kiếm ra tiền vợ vẫn chấp nhận nhưng chuyện đó chỉ nên xảy ra trong một khoảng thời gian. Khi đã cân bằng trở lại, bạn nên bắt tay vào xây dựng lại tất cả. Bạn không đi làm không chỉ tăng thêm gánh nặng kinh tế lên vai vợ, mà chính bạn cũng sẽ cảm thấy không vui vẻ, tự tin.

Mặc dù không phải là tất cả nhưng kinh tế cũng đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Một người đàn bà dịu dàng, tôn trọng và yêu chồng hết mực là khi cô ấy cũng được chăm sóc, thương yêu. Ngược lại nếu vợ bạn phải đeo gánh nặng cơm áo gạo tiền, làm sao tránh khỏi có lúc cau có, khó chịu. Cho nên thay vì trách cứ, đổ lỗi cho vợ, bạn cũng nên xem lại mình. Thời gian gần đây bạn có thay đổi không? Có chia sẻ lo toan cùng vợ? Có đối xử với cô ấy một cách chân thành, dễ chịu? Bạn cũng có thể nói chuyện thẳng thắn với vợ xem cô ấy nghĩ và muốn gì. Từ đó cân nhắc xem liệu những mong muốn của vợ có chính đáng không? Và mình có thể thay đổi?

Trong trường hợp bạn nghi vợ có người khác thì cũng nên tìm hiểu, có chứng cớ rõ ràng, chứ đừng nói kiểu “nhìn nhác qua là tôi biết vợ đang bị người thứ ba tác động". Như vậy là ghen tuông vô cớ, có thể gây tổn thương đến vợ và chính gia đình mình.

Lúc này chuyện đầu tiên bạn nên làm là tìm một công việc. Trừ khi bạn đang có sẵn quá nhiều tiền hoặc có nguồn thu nhập thụ động. Tuổi của bạn còn trẻ nên có việc làm để lo cho chính mình và gia đình. Kể cả trong trường hợp ly hôn, một công việc ổn định cũng chính là cơ sở giúp bạn giành quyền nuôi con với vợ.

Muốn được chuyên gia Vũ Thu Hằng tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top