Tôi từng đi du học, hiện đã tìm được một công việc tốt. Chồng tôi là người thật thà, hiền lành, ngoại hình khá, rất yêu thương và chiều tôi, chính vì vậy mà tôi đã yêu và lấy anh. Nhưng hoá ra hôn nhân không phải chỉ hẹn hò, yêu thương nhau là đủ, nó còn là sự đồng điệu về tâm hồn, tính cách và suy nghĩ. Tôi mạnh mẽ và rất tự lập, là người cầu tiến ham học hỏi, không ngại khó, ngại khổ. Từ một cô sinh viên nước ngoài, giờ tôi làm quản lý trong một công ty nhỏ. Từ nghèo khó kiếm tiền để đóng học phí, rồi đi làm lương bằng nửa chồng, giờ đã lên gấp rưỡi chồng. Từ lúc yêu đến giờ chồng tôi vẫn vậy, sống thụ động, ỷ lại. Công việc mà anh có là nhờ vào bố mẹ, anh ngại va chạm và giao tiếp với những người giỏi hơn mình. Anh không giỏi chuyên môn, giao tiếp hoặc quan hệ xã hội, thậm chí không thông minh, hài hước. Thế giới của anh chỉ quay quanh tôi. Anh không quan tâm chuyện thế giới, chính trị, sống không có đam mê, lý tưởng. 

Những câu chuyện của chúng tôi ngày càng ngắn lại và nhạt nhẽo vì tôi không còn có thể trò chuyện cùng chồng. Anh không nhận ra điều đó. Đáng buồn thay, anh vẫn yêu thương tôi hết mực, còn yêu hơn ngày xưa vì tôi biết anh vừa yêu vừa nể tôi. Tôi thèm cảm giác chồng lắng nghe, tranh luận cùng mình, có thể làm mình cười bằng vài câu chuyện hài hước. Tôi như là mẹ, là chồng của anh.  Anh đồng ý với mọi thứ tôi quyết định. Thậm chí, tôi không còn cảm giác muốn hôn hay ôm anh nữa. Tôi không mong ước gì cao xa, chỉ cần một người đàn ông khiến tôi muốn được bay ngay về nhà sau mỗi giờ làm việc, kể cho anh nghe về ngày hôm nay; có thể cùng tôi bàn luận về trăm tỷ thứ; cùng lên kế hoạch, khám phá thế giới; đưa ra lời khuyên lúc tôi cần; nạt nộ, mắng mỏ khi tôi làm sai. 

Chồng tôi không làm gì sai, anh rất yêu thương, chiều chuộng tôi. Bố mẹ tôi vẫn hay nói tìm được người đàn ông chân thành như thế rất khó và không có ai hoàn hảo. Có phải tôi sai không khi âm thầm so sánh chồng mình với người khác; trong lòng chê bai chồng và hết tình cảm với anh. Tôi phải làm gì để có lại tình yêu này? Chúng tôi còn rất trẻ, chưa đến 30 tuổi, hay tôi nên giải thoát cho cả hai để tìm người phù hợp? Mong chuyên gia và độc giả cho tôi xin lời khuyên.

Như

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:

Chào bạn Như,

Một người du học nước ngoài như bạn sẽ có nhiều suy nghĩ khác hơn so với người ở nhà. Trong lối sống, quan điểm, cách tổ chức cuộc sống, bạn đã bị ảnh hưởng từ phương Tây: sống có tham vọng, mục tiêu, kế hoạch rõ ràng cho những việc mình làm. Đáng lẽ, trước khi bước vào hôn nhân, bạn nên tìm hiểu rõ chính mình trước, bạn là người thế nào, có điểm mạnh, điểm yếu, tính cách, sở thích, mong muốn gì, phù hợp với mẫu đàn ông thế nào? 

Vì chưa hiểu rõ bản thân nên bạn không nhận ra người đàn ông thế nào là hợp với mình. Một người đàn ông trên tầm của bạn mới khiến bạn nể phục mà yêu thương. Trong khi đó, bạn chọn chồng hiện tại chỉ vì anh ấy tốt, yêu bạn chân thành, dù tính cách trái ngược với mong muốn của bạn. Bạn nên biết rằng hai người đều tốt vẫn không đủ để sống hòa hợp, hạnh phúc bên nhau. Cần có sự tương đồng về tính cách, nhận thức, thấu hiểu và kính trọng nhau nữa. Đó là sai lầm của bạn.

Có thể chồng bạn là con trong một gia đình khá giả, được bố mẹ bao bọc, lo lắng chu toàn nên không năng động, có tính ỷ lại và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Cũng có thể đó là tính cách của anh ấy, thích sự bình lặng, ổn định. Sự khác biệt này đáng lẽ bạn phải nhận ra, và nếu đã chọn thì bạn nên học cách chấp nhận. Bạn nói mình có quyền quyết định tất cả mọi thứ, có thể do bạn giỏi quán xuyến, xử lý tốt mọi việc nên anh ấy nhường cho bạn làm, ngày càng yêu và nể bạn hơn. Bạn may mắn khi gặp được người chồng tốt, biết công nhận những gì bạn đã làm. Cái gì cũng có hai mặt, nếu bạn gặp phải một người chồng độc tài, gia trưởng, bạn sẽ bị tổn thương vì thiếu sự tôn trọng.

Bạn không ngừng rèn luyện, vươn lên, sẽ dễ thành công trong sự nghiệp, còn chồng bạn khá an phận nên càng ngày khoảng cách về nhận thức, lối sống và mức độ thành công của hai người càng xa nhau. Người phụ nữ có một đặc điểm rất “khó thương” là khi thành công hơn chồng, sự ngạo mạn và cái tôi sẽ đẩy họ đi rất xa, xa đến nỗi họ muốn đặt lại vấn đề là có nên tiếp tục chung sống với chồng nữa không? Thay vì hỏi câu đó, sao bạn không tìm cách nâng đỡ, giúp chồng cùng phát triển ngang tầm với mình.

Trong thư không thấy nhắc đến việc hai bạn đã có con chưa? Nếu chưa thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Nếu đã có, bạn nên cân nhắc thật kỹ, bởi ngoài việc là chồng tốt, chắc hẳn anh ấy cũng là người cha tốt, thương yêu con cái. Bạn nên nói chuyện thẳng thắn với chồng, nói ra những suy nghĩ và mong muốn chồng thay đổi những gì. Hãy dẫn dắt chồng cùng tham gia vào những việc trong gia đình, lôi kéo anh ấy trở nên nhanh nhẹn, năng động hơn. Chia sẻ việc nhà để chồng gánh bớt trách nhiệm và quyết định vài thứ. Bạn không nên ôm hết vào người vì sẽ dẫn đến quá tải, mệt mỏi. Hãy cho chồng thời gian để anh ấy thích nghi và cố gắng. 

Chúc bạn thành công.

Muốn được Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top