Tôi gần 60 tuổi, đã về hưu, lấy chồng cùng quê. Chúng tôi có 2 con trai, lớn 31 tuổi chưa vợ, bé vừa tốt nghiệp đại học. Chồng tôi là bộ đội chuyên nghiệp, học tại chức rồi xin được vào nơi công tác tốt, đã về hưu. Từ khi cưới tới giờ, chồng không đưa cho tôi một đồng và giải thích là dành dụm để mua đồ trong nhà. Anh cũng không bao giờ chia sẻ việc nhà với tôi. Tôi đầu tắt mặt tối con cái, lợn gà, thậm chí phải bổ củi để nấu cơm, vậy mà anh về chỉ ngồi đọc báo. Chúng tôi đã từng nói nhiều, kể cả tranh cãi nhưng anh vẫn không thay đổi.

Chồng tôi rất hay chửi mắng vợ con. Có hôm chửi đến 3-4 giờ sáng, mệt quá thì ngủ. Có lẽ tôi đã sai khi không dứt khoát chia tay từ lúc còn trẻ, để 3 mẹ con bị bạo hành tinh thần suốt một thời gian dài, con phải thiệt thòi. Ở với nhau tới giờ, anh đánh tôi khoảng 4-5 lần. Anh còn có thói quen không vừa ý điều gì là tịch thu xe, không đưa chìa khóa để mẹ con tôi vào nhà, không cho nấu ăn, phải đi ăn ngoài. Sau đó, mẹ con tôi ra ngoài thuê nhà ở. Anh năn nỉ, thậm chí nhờ họ hàng khuyên nhủ rồi viết cam kết, tôi đồng ý về. Anh thay đổi nhưng được dăm bữa nửa tháng lại đâu vào đó, chửi bới, đàn đúm bạn bè.

Gần đây, anh đánh chửi tôi ngay trước mặt người khác vì mâu thuẫn trong việc đi nghĩa vụ của con thứ 2. Tôi chửi lại anh, đây cũng là lần đầu tiên tôi chửi chồng. Một lúc sau thấy hơi choáng nên tôi đi bệnh viện khám. Sau đó, khi nhắc lại anh thản nhiên bảo "Đánh cho cậu tiến bộ". Vậy không phải anh lỡ tay đánh tôi trong lúc nóng giận, mà là anh không thấy hành vi đó là sai. Động một tí là anh đuổi mẹ con tôi, coi chúng tôi như người trú ngụ, ở nhờ nhà, đi nhờ xe.

Hiện tại tôi và con trai út thuê ở ngoài, con lớn ở nhà với bố. Chồng gọi điện hỏi, tôi bảo "Em với con ở ngoài cho yên thân". Chồng tôi nói "Đi thì tự chịu nhưng nhớ mang trả tao 2 cái xe máy". Đến Tết vừa rồi, anh ta gọi cho tôi một cuộc nữa, bảo "Về đi không anh chết mất" rồi cúp máy. Ra Tết gọi thêm 2 lần nhưng tôi không nghe nên từ đó cũng thôi. Hiện tại, mọi chi phí trong nhà con trai lớn chi trả, kể cả cây cảnh anh mua về chơi. Tài sản anh giữ chặt: sổ hộ khẩu, sổ đỏ, giấy tờ xe,... Thậm chí khi tôi muốn chuyển khẩu, mãi mấy tháng anh mới đưa sổ ra. Không chỉ với mẹ con tôi, với người thân của anh cũng vậy. Có lần tôi đi thăm cậu anh bị ung thư, về còn bị anh mắng. Tôi không hiểu liệu chồng tôi có vấn đề về thần kinh không? Nên giải quyết thế nào để tôi, đặc biệt là con có lợi nhất. Mong GS.TS Vũ Gia Hiền và quý độc giả cho tôi lời khuyên.

Loan

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào chị Loan,

Chị cho biết chồng không đưa cho chị một đồng, cho thấy anh ta ích kỷ và thiếu trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, người thiếu trách nhiệm với gia đình không có nghĩa là cũng thiếu trách nhiệm với công việc xã hội. Chồng chị là bộ đội chuyên nghiệp, học tại chức rồi xin được vào nơi công tác tốt, cho thấy anh ta là người biết làm việc và xã giao. Những người có mẫu tâm lý này thường rất sĩ diện và “phổi bò”. Rất tiếc chị không cho biết chồng làm nghề gì trong bộ đội nên tôi không đoán được về tâm lý nghề nghiệp.

Chị nói chồng chị còn có thói quen không vừa ý điều gì là tịch thu xe, đây là hiện tượng của quyền lực và gia trưởng. Mẫu người này nói ra là mệnh lệnh và không cần biết mệnh lệnh đi đến đâu, để làm gì. Họ yêu thích quyền hành quá mức, đến nỗi ám ảnh và trở thành bệnh về tâm lý, có biểu hiện thích quyền lực, tức là luôn luôn nghĩ và hành động như người có quyền lực khi bệnh phát. Việc chồng chị năn nỉ, thậm chí nhờ họ hàng khuyên nhủ rồi viết cam kết, cho thấy bệnh của chồng chị chưa phải ở dạng mãn tính. Người bị bệnh thường có tính khí bất thường, vui buồn, nóng giận, chửi bới… như trẻ con, như “người điên có trí thức” nên rất dễ làm cho người ta nhầm lẫn giữa bệnh về tâm thần với sự sĩ diện. 

Chồng chị bảo “về đi không anh chết mất” là hiện tượng tâm lý không có nơi giải phóng nên chuyển từ ức chế sang sợ hãi, nhưng cúp máy ngay cho thấy tính gia trưởng trong anh ta vẫn còn khá nặng. Việc chồng chị giữ chặt mọi tài sản, giấy tờ liên quan cho thấy anh ta là người trưởng thành lên trong cuộc sống thiếu thốn và khó khăn, từ đó có tâm lý lo giữ của. Từ tâm lý lo giữ của và cho của cải là quan trọng nên khi chị nói “em với con ở ngoài cho yên thân” thì chồng chị bảo “đi thì tự chịu nhưng nhớ mang trả tao 2 cái xe máy”. Đó là thói quen của tính cách, là cả quá trình.

Chị là người chịu đựng và rất thương chồng, đã vượt qua gian nan mà vẫn sáng suốt, cho thấy sức khỏe thần kinh và thể chất của chị rất tốt. Nhờ yêu thương chồng con nên chị mới sống được như vậy.

Chồng chị có vấn đề về tâm lý. Vậy nên chị cần đưa chồng đến Viện tâm thần để được các bác sĩ chuyên khoa can thiệp. Chị phải rất tế nhị, đừng để lộ ra là chồng chị bị bệnh về tâm thần với ai và với chính anh ta. Chị có thể nói con trai lớn đưa đi và bảo cháu phải đi thăm dò, hỏi han bác sĩ trước để bác sĩ chỉ cho cách làm cụ thể. Chúc chị sự sáng suốt, bình tĩnh, thành công.

Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top