Sẽ tăng cường giám sát nợ công, siết chặt bội chi, báo cáo kết quả giám sát quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn tới... Uỷ ban Tài chính -  Ngân sách của Quốc hội hồi âm kiến nghị của cử tri.

Theo tập hợp từ Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không chỉ cử tri của một địa phương sốt ruột về tình hình nợ công.

Tháng 8/2018 báo cáo kết quả

Cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ nợ công, yêu cầu có thời hạn, lộ trình cụ thể trong xử lý nợ công

Tại văn bản trả lời, Ủy ban Tài chính -  Ngân sách của Quốc hội khẳng định, thời gian qua, vấn đề giám sát quản lý sử dụng nợ công luôn được Ủy ban quan tâm. Hàng năm, Ủy ban đã triển khai các hoạt động giám sát về ngân sách Nhà nước, giám sát hiệu quả của các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn trái  phiếu.

Hiện nay, Ủy ban đang triển khai giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016" để đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài, đặc biệt là hiệu quả của nguồn vốn vay nước ngoài, kiểm soát chặt chẽ nợ công và đánh giá khả năng trả nợ. 

Kết quả giám sát sẽ được tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2018. Trên cơ sở kết quả giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn tới.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các cuộc giám sát chuyên đề về nợ công để có các kiến nghị với Quốc hội về cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp quản lý, điều hành trong chi tiêu công, quản lý nợ công để bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay và bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn theo nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 của Quốc hội.

Siết bội chi

Cử tri tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị giám sát chặt chẽ tình hình nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

Theo đánh giá của cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách thì việc quản lý, sử dụng nợ công giai đoạn vừa qua mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực song vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cả trong các quy định của hệ thống pháp luật và cả trong khâu triển khai thực hiện.

Hiệu quả nợ công không chỉ phụ thuộc vào việc quản lý nợ công mà còn phụ thuộc vào hiệu quả của các dự án đầu tư công, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công, huy động, sử dụng nợ công, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng nợ công và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Với kiến nghị nêu trên, văn bản trả lời nêu rõ, đúng như ý kiến cử tri, việc giám sát tình hình nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước cần được tăng cường, sẽ góp phần bảo đảm giữ vững kỷ luật tài chính, an ninh tài chính quốc gia trong điều kiện nợ công hiện đang ở mức cao, gần đạt mức trần cho phép.

Do vậy, tiếp thu ý kiến cử tri, trong kế hoạch giám sát thường niên Thường trực Ủy  ban Tài chính - Ngân sách sẽ tăng cường thực hiện công tác giám sát tình hình nợ công và bội chi theo đúng Nghị quyết đã được Quốc hội quyết định. Đồng thời, đang nghiên cứu tiếp tục tham mưu cho Quốc hội siết chặt bội chi từ năm 2017 đến cuối năm 2020, năm sau thấp hơn năm trước, tính đến năm 2020 tỷ lệ bội chi đạt mức 3,9% GDP.

Vẫn liên quan đến quản tiền của nhân dân, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, không để thất thoát tiền của nhân dân, ngân sách nhà nước quá nhiều như thời gian qua, các vụ án mới đây gây thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng khiến người dân rất bức xúc.

Cơ quan trả lời trình bày, nguồn thu ngân sách nhà nước được huy động chủ yếu từ tiền thuế của nhân dân, việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực này đã được khẳng định tại Hiến pháp và các luật liên quan (như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Ngân sách nhà nước; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư công...).

Tuy nhiên, đúng như cử tri đã nêu, thực tế cho thấy, quá trình quản lý tài sản nhà nước có những lúc, những nơi, những trường hợp cụ thể làm thất thoát nguồn lực tài chính quốc gia, tiền của nhân dân với những tổn thất rất lớn.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban tiếp tục tăng cường giám sát sâu, rộng hơn nữa để có các kiến nghị với Quốc hội về hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý chặt chẽ, phát hiện các tiêu cực và xử lý nghiêm minh, kịp thời để đảm bảo nguồn tài chính quốc gia được sử dụng hiệu quả, vì lợi ích của toàn dân, văn bản trả lời chất vấn nêu rõ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top