Nhật Bản nằm trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng từ đầu năm 2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 11,41 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2017.
Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 5,75 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu hàng hóa là 5,66 tỷ USD, tăng 11,9%.
Trước đó năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức đạt 33,84 tỷ USD, tăng 13,8% so với kết quả thực hiện trong năm 2016.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 16,86 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2016, chiếm 7,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác thương mại trong năm 2017.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt 16,98 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2016, chiếm 8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước trong năm 2017.
Diễn biến thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Nhật Bản trong giai đoạn 2011-2017. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận, trong giai đoạn năm 2011-2014, Việt Nam luôn thặng dư cán cân thương mại trong trao đổi hàng hóa với Nhật Bản. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2015 đến 2017), cán cân thương mại hàng hóa lại đảo chiều sang trạng thái thâm hụt.
Cụ thể, mức xuất siêu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản trong giai đoạn 2011-2014 lần lượt là 380 triệu USD, 1,45 tỷ USD, 2,02 tỷ USD và 1,77 tỷ USD. Sang giai đoạn 2015-2017, cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt thấp về phía Việt Nam với các mức lần lượt là 228 triệu USD, 393 triệu USD và 119 triệu USD.
"Nhật Bản nằm trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất trong hơn 200 quốc gia có xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam", Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường lớn thứ hai châu Á này trong năm qua chủ yếu chú trọng vào các nhóm hàng như dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; hàng thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu các mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo...
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong ấn phẩm thường niên Trade Profiles 2017 ghi nhận trong các năm gần đây Nhật Bản là 1 trong 5 quốc gia có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên thứ hạng xuất nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản đã có cải thiện trong năm 2017.
Cụ thể, Báo cáo Thống kê và Triển vọng thương mại công bố ngày 12/04/2018 của tổ chức này ghi nhận, cả xuất khẩu hàng hóa (trị giá 698 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2016 và chiếm 3,9% xuất khẩu toàn cầu) và nhập khẩu hàng hóa (trị giá 672 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2016 và chiếm 3,7% nhập khẩu toàn cầu) của Nhật Bản đều xếp ở vị trí thứ 4 trên thế giới, trong đó xuất khẩu xếp sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức và nhập khẩu xếp sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức.
Thống kê của WTO cũng cho thấy, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu hàng hóa (tiêu thụ) lớn nhất của Nhật Bản với tỷ trọng chiếm 20,2%. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Nhật Bản tiếp theo là Trung Quốc (17,6%); Liên minh châu Âu - EU28 (11,4%); Hàn Quốc (7,2%)…
Ở chiều ngược lại, các công ty Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ trọng là 25,8%. Tiếp theo là các nguồn hàng hóa có xuất xứ từ EU28 chiếm 12,4%; Hoa Kỳ chiếm 11,4%; Australia chiếm 5% và Hàn Quốc chiếm 4,1%.
Post a Comment