Chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan báo chí, trong năm 2020, ban hành hướng dẫn về liên kết trong hoạt động báo chí, Quốc hội yêu cầu sau chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Chiều 27/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.
Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.
Đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng nhiều vấn đề, từ quản lý báo chí, mạng xã hội đến xử lý tình trạng "sim rác", "tin nhắn rác", "cuộc gọi rác"...
Ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Bộ trưởng, với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016, tiếp tục khẩn trương triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Khẩn trương ban hành quy định của pháp luật để quản lý hoạt động của tạp chí điện tử, phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí. Rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan báo chí.
Ngay trong năm 2020, ban hành hướng dẫn về liên kết trong hoạt động báo chí, nghị quyết nêu yêu cầu công việc cụ thể gắn với thời gian phải hoàn thành.
Phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội - Ảnh: Quang Phúc
Yêu cầu tiếp theo trong lĩnh vực này là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, tổng biên tập trong việc quản lý văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên và nội dung thông tin. Chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát chặt chẽ các điều kiện về cấp phép trong lĩnh vực báo chí, việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật về báo chí.
Nghị quyết cũng nêu yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, tổng biên tập trong việc để xảy ra vi phạm. Thiết lập và phát triển đường dây nóng phản ánh sai phạm trong hoạt động báo chí tại địa phương, có biện pháp bảo vệ và phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật.
Ngành thông tin và truyền thông còn được yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Xử lý nghiêm tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí.
Được yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực này còn là việc hoàn thiện quy định pháp luật về an ninh mạng, chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả.
Quốc hội cũng giao ngành thông tin và truyền thông chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, báo chí, có giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Sau chất vấn, ngành thông tin và truyền thông còn được giao sớm ban hành văn bản quy định về xử lý vấn đề tin giả, về bảo vệ thông tin cá nhân. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng, tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng "sim rác", "tin nhắn rác", "cuộc gọi rác".
Nghị quyết cũng nêu yêu cầu khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng truyền thông xã hội trong nước, có chính sách phát triển các doanh nghiệp số Việt Nam, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Nhiệm vụ tiếp theo được nêu tại nghị quyết là xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và Chiến lược quốc gia về dữ liệu đáp ứng yêu cầu xã hội, tiếp tục phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Nghị quyết nêu rõ, đầu năm 2020, ban hành quy định về kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung, tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn triển khai mô hình thành phố thông minh. Cũng trong năm 2020 hình thành bộ mã bưu chính đến địa chỉ, hỗ trợ cho thương mại điện tử và kinh tế số.
Post a Comment