Đây là đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 với chủ đề Tương lai việc làm của Việt Nam. Diễn đàn do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng tổ chức ngày 27/11.
Chất lượng việc làm vẫn đang là thách thức
Theo một báo cáo mới của ILO được công bố tại diễn, kinh tế Việt Nam đang tạo ra ngày càng nhiều việc làm cần kỹ năng trung bình và kỹ năng cao.
Tăng trưởng việc làm trung bình hàng năm của Việt Nam trong thập kỷ qua tập trung vào nhóm việc làm cần kỹ năng trung bình và cao.
Thống kê phân bổ việc làm theo mức kỹ năng của Việt Nam cho thấy hơn một nửa (53%) số việc làm trên cả nước là việc làm cần kỹ năng trung bình, và 12% đòi hỏi kỹ năng cao. Số còn lại (36%) là việc làm kỹ năng thấp.
Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, đồng tác giả của báo cáo chia sẻ rằng, so sánh cơ cấu này với các quốc gia có thu nhập trung bình cao cho thấy nhiều điểm thú vị.
Tính trung bình, các nước thu nhập trung bình cao có tỷ trọng việc làm kỹ năng thấp tương đồng với Việt Nam (32%), tỷ trọng việc làm kỹ năng trung bình lớn hơn (48%), và tỷ trọng việc làm kỹ năng cao lớn hơn rất nhiều (ở mức 20%, cao gần gấp đôi Việt Nam).
Theo báo cáo này, Việt Nam đang sở hữu dân số đặc biệt năng động, với tỷ lệ tham gia thị trường lao động ở mức hơn 70% đối với phụ nữ (so với mức trung bình 48% trên thế giới), và 81% với nam giới.
Việc làm trong ngành sản xuất đã và đang tăng với tốc độ rất cao tại Việt Nam, kể từ năm 2014 luôn ở mức cao hơn mức chung của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
"Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm, nhưng cần thêm việc làm tốt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp, tuy nhiên, chất lượng việc làm lại đang là một thách thức", bà Barcucci lưu ý.
Cải thiện chất lượng việc làm phải là ưu tiên của Chính phủ
Chuyên gia ILO cũng đánh giá, việc làm dễ bị tổn thương đang trên đà giảm dần nhờ vào xu hướng công nghiệp hóa và tăng số lượng việc làm trong ngành sản xuất. Nhưng vào năm 2018, vẫn có tới 54% người lao động đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Nhóm việc làm này đặc thù là thường không có sự bảo vệ và thu nhập thường rất thấp.
Do đó, chuyên gia ILO nhấn mạnh rằn, cải thiện chất lượng việc làm trong nhóm việc làm này của thị trường lao động cần phải trở thành một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu hiện đại hóa kinh tế xã hội.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam đánh giá, ngày nay thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn với tốc độ ngày càng nhanh, tác động tới sinh kế của hàng triệu người, cả người sử dụng lao động và người lao động.
Theo ông, những nhân tố thay đổi chính bao gồm cải tiến công nghệ với điển hình là cách mạng 4.0, hệ thống thương mại toàn cầu với độ kết nối ngày càng lớn, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.
"Để hiện thực hóa quyết tâm trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế", Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh và tin tưởng rằng việc đảm bảo việc làm bền vững và thỏa đáng cho mọi người, sẽ là một phần không thể thiếu của Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tiếp theo mà Việt Nam đang hoàn thiện.
Bởi vì, đây là một yếu tố chính thúc đẩy chính sách xã hội để phát triển kinh tế.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua là một dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế.
Ông đánh giá, Bộ luật Lao động mới tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc của các công ước cơ bản của ILO, kể cả 2 công ước cơ bản còn lại (về tự do hiệp hội và lao động cưỡng bức) mà Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn trong những năm tới.
Post a Comment