Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu thông tin báo chí nêu về vấn đề xây dựng sân bay Long Thành.
Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau khi báo điện tử Vneconomy ra ngày 15/11/2019 có bài đưa tin của chuyên gia về việc "Rất lãng phí nếu dùng 5.000 ha đất và 16 tỷ USD làm sân bay Long Thành".
Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu, xử lý theo quy định.
Trước đó, như VnEconomy đưa tin, Quốc hội mới đây thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành do Chính phủ trình. Nhiều điểm mấu chốt trong báo cáo được các đại biểu thảo luận là cơ sở đưa ra tổng mức đầu tư, hiệu quả dự án… Trong đó, có ý kiến được nhiều người lưu tâm là việc so sánh tổng mức đầu tư dự án Long Thành với 2 công trình sân bay hiện đại bậc nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) và sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) cho rằng cần phải nghiên cứu lấy ý kiến các chuyên gia về sân bay Long Thành.
Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia hàng không, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không - Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM khẳng định: Với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ cần diện tích 1.800 ha và 2 đường băng cất hạ cánh thôi, chứ không nên quá lãng phí với 5.000 ha và 4 đường băng cất hạ cánh song song.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, chuyên gia Tống cho hay, cấu hình 4 đường hạ cất cánh (dài 4.000 m x 75 m) với dãn cách giữa 2 cặp đường hạ cất cánh 2.570 m có tần suất tối đa giờ cao điểm là 120 chuyến/giờ để cho năng suất 100 triệu hành khách/năm.
Cấu hình 4 đường cất hạ cánh này của sân bay Long Thành vừa tốn rất nhiều diện tích đất vừa làm cho đường lăn máy bay giữa nhà ga hành khách với hai đường cất hạ cánh ngoài cùng rất lớn gây chậm trễ và tốn kém nhiên liệu.
Về tổng mức đầu tư, theo Tiến sĩ Tống, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD là vốn đầu tư rất lớn và rất lãng phí khi so sánh với các sân bay tương tự trên thế giới. Chẳng hạn sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok có mức tổng đầu tư 5 tỷ USD năm 2006 với năng suất 100 triệu hành khách/năm, bình quân 50 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm.
Tổng mức đầu tư cho sân bay Long Thành với năng suất 100 triệu khách/năm là 16,03 tỷ USD, bình quân 160 triệu USD cho năng suất 1 triệu hành khách/năm, đắt gấp 3,2 lần so với sân bay Suvarnabhumi…
Post a Comment