Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ.
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chung của kỳ họp với 421/428 đại biểu tán thành, 7 vị không nhất trí.
Điều chỉnh phù hợp, hài hòa lợi ích
Theo nghị quyết, Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 8, thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật.
Tại kỳ họp này, Quốc hội thống nhất chưa thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Liên quan đến vấn đề giảm giờ làm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đại biểu đề nghị cần nêu cụ thể lộ trình khi giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường. Ý kiến khác đề nghị bỏ cụm từ "theo lộ trình".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giảm thời giờ làm việc bình thường là vấn đề quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội nên Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ để đề xuất việc điều chỉnh cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên (người lao động và chủ sử dụng lao động), đồng thời góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển ổn định của nền kinh tế.
Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không thể hiện lộ trình trong nghị quyết.
Các vị đại biểu bấm nút thông qua nhiều nghị quyết tại phiên họp cuối cùng kỳ họp thứ 8 - Ảnh: Quang Phúc
Không biểu quyết riêng về vấn đề gây thất thoát 5.000 tỷ
Trong nghị quyết chung có một vấn đề được tranh luận rất gay gắt tại kỳ họp này, liên quan đến việc Chính phủ đề nghị Quốc hội không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013 và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/8/2017.
Nguyên nhân là Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm trễ ban hành các nghị định hướng dẫn luật. Và hậu quả là gây thất thoát 5.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh, có đại biểu đề nghị trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ nghị quyết, Quốc hội biểu quyết riêng khoản 6 về đề xuất nói trên của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, ngày 13/11 nội dung này đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội và được đa số đại biểu tán thành (321/427 ý kiến đồng ý, chiếm 75,18% đại biểu tham gia ý kiến và 66,46% tổng số đại biểu).
Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép biểu quyết thông qua luôn toàn bộ nghị quyết.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua quy định: không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 từ ngày 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013; không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/8 /2017.
Quốc hội cũng cho dừng việc hằng năm báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Lai Châu, việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.
Báo cáo Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô cũng được tạm dừng trong thời gian thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, trừ trường hợp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu.
Post a Comment