Tôi lấy chồng được 3 năm, có bé trai 2 tuổi. Mẹ chồng theo tôi là người ích kỷ, lời nói hay thay đổi, kỹ tính, chuyện không có nói thành có. Mẹ không mở lòng với tôi.
Nhiều khi tôi nghĩ mình không bằng một người họ hàng của mẹ. Cuộc sống của tôi đôi lúc bí bách, hay buồn tủi một mình, muốn ôm con thoát ly khỏi gia đình này. Lúc con còn nhỏ, ngày ngày đều nhìn thấy sắc mặt khó chịu của mẹ với tôi, trông tôi giống cục nợ của mẹ vậy. Tính mẹ lúc nào cũng cho mình là đúng và là tốt; cái gì xấu là thuộc về tôi, về gia đình tôi; cái gì tốt là thuộc về mẹ và gia đình mẹ.
Lời nói của mẹ như dao cứa, không bao giờ đặt mình vào ví trí người khác. Hôm nay cái đúng thành cái sai, ngày mai cái sai thành cái đúng. Tôi ở nhà giữ con, có nhận việc làm thêm và phụ mẹ việc nhà cửa. Mẹ thương cháu, vì thương quá nên bé bị gì một chút là tôi bị nói xối xả. Từ lúc về làm dâu, rất muốn gần gũi mẹ mà không được. Tôi mua đồ ăn thêm, mẹ chê tới chê lui, không hề muốn ăn vì sợ mang tiếng ăn đồ của con dâu, còn đồ người khác cho mẹ niềm nở ra mặt, rồi nói xiên xỏ chuyện con dâu nhà người khác này nọ. Nói chung, mẹ giữ khoảng cách với con dâu. Đồ đạc trong nhà xài đã lâu năm hỏng chút là bình thương, thế mà tôi lại bị mang tiếng, mẹ bảo: "Nhà tao đó giờ xài gì cũng kỹ, từ ngày có mày về là hư". Nhiều khi tôi cũng không biết mình làm gì mà nó lại hỏng.
Hồi mới sinh em bé tôi bị stress nặng về cách nuôi con, về lời nói xỉa xói của mẹ. Có thời điểm ngày nào cũng nghe câu: "Từ khi có hai mẹ con mày về điện tăng, nước xài nhiều, đi tới đâu phá tới đó, đồ đạc mau hư". Con tôi nhìn tròn trịa mà mẹ liên tục chê sữa tôi nóng, bé không múp. Tôi ăn uống thêm cho sữa có chất thì mẹ bảo uống nước nhiều cũng có sữa rồi. Chồng mua đồ cho tôi ăn thêm nên mẹ chắc càng ghét tôi hơn. Ở chung thì lúc tôi bận mẹ cũng giữ cháu cho tôi làm việc nhà, lắm lúc mẹ khó chịu vì cho rằng con tôi thì tôi phải giữ. Nhiều khi tôi bực lắm, phải đợi tới đêm con ngủ mới dám làm.
Lúc trước mẹ không muốn tôi đi đâu, hễ tôi dắt con về ngoại chút là có chuyện, bé quấy là mẹ lại khó chịu, cho rằng mẹ con tôi đi chơi chán rồi về quậy, rồi bảo hai mẹ con đi luôn đi, đừng có về nữa. Trong khi đó mỗi lần tôi đi có tiếng rưỡi và xin phép mẹ đàng hoàng. Tôi đi chợ mẹ cũng còn khó chịu nữa huống gì đi chơi. Mẹ luôn làm cho tôi ê mặt trước chồng và cha chồng, may là chồng hiểu. Chồng chở mẹ con tôi đi chơi mà mẹ cũng khó chịu. Hồi con mới đi học, mẹ đay nghiến, muốn tôi ở nhà trông con. Tôi không muốn cho con đi học sớm nhưng ở nhà con được chiều quá, càng ngày càng bướng, xem tivi quá nhiều. Tôi muốn con được tiếp xúc với nhiều người, thêm nữa là công việc tôi không thể làm ở nhà mãi được.
Con nít mà được cưng chiều quá thì tính ngang bướng chút, bà bảo giống nhà tôi, cái gì xấu thuộc nhà tôi hết, còn cái gì tốt đẹp thuộc về nhà mẹ chồng. Mẹ bảo nhà bà tâm ai cũng tốt, ai cũng hiền. Tôi ở nhà vừa chăm con vừa có công việc làm thêm, cũng làm việc nhà, sống hiền lành mà không hiểu sao lại bị ghét đến vậy. Chắc do tôi không ngọt ngào, không biết cách lấy lòng mẹ chồng, không phải đứa giỏi nói chuyện. Thấy mẹ làm việc, tôi bảo mẹ giữ cháu tôi làm cho, mẹ không chịu, nói giữ cháu mệt, để tao làm việc cho khỏe. Mà hễ làm việc là mẹ lại khó chịu, bảo là tôi không làm việc gì.
Mẹ chồng xem tôi như cục nợ trong nhà. Trước Tết vợ chồng tôi xin ra riêng thì không cho, nói vợ chồng tôi chưa có nhà, giờ ra riêng sợ hàng xóm dị nghị. Sau đợt đó mẹ bớt khó chịu một chút. Tôi không muốn sống ở đây, vợ chồng tôi không phụ thuộc mẹ về kinh tế nhưng chắc do không hợp tính nhau mà ra thế này. Tôi bị kìm nén cảm xúc, hễ có gì là thấy bực tức. Cũng may chồng hiểu chứ không chắc tôi ôm con bỏ đi. Tôi sống không thẹn với lòng, có chăng lòng mẹ không mở, mẹ tính vốn ích kỷ, không xem tôi như người trong nhà. Tương lai chắc vợ chồng tôi cũng ra riêng nhưng tôi đang mệt mỏi. Tinh thần tôi như quả bom nổ chậm, không cải thiện được. Nhà là tổ ấm hạnh phúc, giúp người ta hồi phục sau thời gian mệt mỏi, vất vả bên ngoài. Nếu tổ ấm đó tôi không cảm nhận được sự ấm áp vậy tôi sẽ duy trì nó đến khi nào đây?
Huyền
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Post a Comment