Ngày 14/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 2 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng Thư ký ASEAN.
Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quan hệ đối tác ASEAN - Australia, được thiết lập từ năm 1974. Thủ tướng hoan nghênh chính sách nhất quán của Australia gắn bó lâu dài với khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tham gia tích cực trong các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN chủ trì, cùng thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Thủ tướng hoan nghênh Australia cam kết đóng góp 1 triệu đôla Australia cho Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 và dành gói hỗ trợ 60 triệu đôla Australia giúp hội nhập kinh tế khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison hoan nghênh ASEAN, với tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng", giữ vững đoàn kết, tự cường trước thách thức, khó khăn. Ông Scott Morrison khẳng định Australia coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ hợp tác cụ thể với ASEAN theo Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Thủ tướng Australia nhấn mạnh Australia cam kết hỗ trợ 21 triệu đôla Australia cho Trung tâm khu vực ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, và 70 triệu đôla Australia hỗ trợ nâng cao khả năng tự cường của các nước ở khu vực Đông Nam Á trong các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác biển, kết nối và hợp tác kinh tế.
Australia cũng cam kết hỗ trợ 230 triệu đôla Australia cho hợp tác Mekong trong các lĩnh vực như môi trường, hạ tầng, công nghệ và học bổng, coi đây là nền tảng đóng góp xây dựng một ASEAN vững mạnh.
Các lãnh đạo ASEAN ghi nhận hợp tác ASEAN - Australia đã đóng góp đáng kể vào hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong đó có các Kế hoạch Tổng thể của ba trụ cột Cộng đồng, Kế hoạch Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn III và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025.
Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Chính phủ Australia dành các khoản hỗ trợ kịp thời giúp ASEAN đảm bảo an ninh y tế cũng như tăng cường hội nhập kinh tế và phục hồi, tập trung tăng cường kết nối, phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nâng cao năng lực dự phòng ứng phó dịch bệnh cho các nước trong khu vực.
Tiêu biểu là 500 triệu đôla Australia giúp khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương tiếp cận vắc-xin chống Covid-19 và hỗ trợ khu vực tăng cường hội nhập kinh tế và phục hồi, trong đó có 46 triệu đôla Australia giúp triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Đồng thời kêu gọi các bên tiếp tục kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng hoặc tranh chấp; không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
Hai bên nhất trí nâng cấp tần suất họp Cấp cao ASEAN - Australia trở thành thường niên từ năm 2021, làm nền tảng thúc đẩy mối quan hệ quan trọng này đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa.
Tại hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN- Australia: Đối tác mạnh mẽ vì sự phục hồi.
Post a Comment