Chiều 6/11, trả lời chất vấn tại Nghị trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ ra hai điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho biết từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 14 đến nay đã cắt giảm và đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Tháng 5/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Về xây dựng Chính phủ điện tử, từ khi khai trương trụ liên thông văn bản quốc gia ngày 12/3/2019 đến nay, đã có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử gửi nhận qua trục, tiết kiệm mỗi năm 1.200 tỷ đồng và đặc biệt giúp tăng tính minh bạch, giảm tiêu cực, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ vận hành từ ngày 24/6/2019 đến nay đã phục vụ 23 phiên họp Chính phủ và 563 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giúp thay thế hơn 210.000 hồ sơ. Từ đó, tiết kiệm 169 tỷ đồng mỗi năm.
Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 đã kết nối 30 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 09/12/2019. Sau gần 11 tháng, đã có hơn 85 triệu lượt truy cập, 363.000 tài khoản đăng nhập một lần và 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái.
"Tổng cộng, từ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử đã tiết kiệm được khoảng 14.900 tỷ đồng mỗi năm. Đây là tính toán theo bảng hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới", Bộ trưởng cho biết.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng đồng tình với phản ánh của đại biểu về việc giải quyết thủ tục hành chính hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Đặc biệt là tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu và tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, người thực hiện phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan và chờ đợi lâu mà không biết kết quả giải quyết đến đâu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng đây chỉ là hiện tượng cá biệt, mang tính "con sâu làm rầu nồi canh". Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh tình trạng này.
Post a Comment