Theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ, ngày 9/11, ông Albert Bourla, CEO của hãng dược Pfizer, đã bán gần 132.508 cổ phiếu công ty này và thu về 5,6 triệu USD. Động thái này diễn ra cùng ngày Pfizer công bố dữ liệu thử nghiệm sơ bộ cho thấy vắc-xin Covid-19 của công ty có hiệu quả cao, đẩy giá cổ phiếu tăng vọt, CNBC cho biết.
Trong phiên giao dịch 9/11, giá cổ phiếu Pfizer đã tăng gần 15% sau khi công ty này và đối tác BioNTech cho biết vắc-xin trên mang lại hiệu quả phòng Covid-19 lên tới 94%.
Số cổ phiếu bán ra của ông Bourla nằm trong kế hoạch giao dịch đã được lên lịch trước và được thông qua vào ngày 19/8, khi công ty bắt đầu đăng ký người tham gia thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối.
Hiện chưa rõ thời điểm ông Bourla biết về các số liệu tích cực của vắc-xin, tuy nhiên, bà Kathrin Jansen, giám đốc nghiên cứu và phát triển vắc-xin của Pfizer nói bà biết điều này từ 1h chiều ngày 8/11.
Lượng cổ phiếu bán ra trong phiên 9/11 chiếm 61,9% tổng số cổ phiếu mà ông Bourla đang nắm giữ tại Pfizer, cả trực tiếp và gián tiếp. Hiện tại, ông vẫn nắm giữ 81.812 cổ phiếu công ty này.
Trong một thông cáo, Pfizer cũng xác nhận việc ông Bourla bán cổ phiếu và cho biết ông còn nắm giữ nhiều hơn thế.
"Sau hơn 25 năm làm việc tại công ty, ông Albert Bourla đã sở hữu một lượng lớn cổ phần Pfizer", người phát ngôn của Pfizer cho biết trong thông cáo. "Hiện tại, ông ấy vẫn nắm giữ số cổ phiếu trị giá gấp gần 9 lần lương của mình sau khi bán một phần hồi đầu tuần".
Theo một báo cáo ủy quyền của Pfizer năm 2019, ông Bourla được bổ nhiệm làm CEO của công ty vào ngày 1/1/2019 với mức lương cơ bản 1,65 triệu USD từ ngày 1/4/2019. Như vậy, số cổ phiếu giá trị gấp 9 lần lương tương đương khoảng 15 triệu USD.
Nhà phân tích công nghệ sinh học Brian Skorney của hãng dịch vụ tài chính Baird nhận xét ông Bourla "hoàn toàn xứng đáng với điều này" và phần lợi nhuận ông thu về từ việc bán cổ phiếu "rất nhỏ" so với lợi nhuận mà vắc-xin Covid-19 có thể mang về.
Ông Bourla không phải là giám đốc hãng dược hay hãng công nghệ sinh học kiếm lời lớn từ việc bán cổ phiếu công ty trong đại dịch. 5 giám đốc cấp cao của hãng công nghệ sinh học Moderna đã thu về tổng cộng hơn 80 triệu USD nhờ bán cổ phiếu công ty từ đầu năm đến nay. Moderna cũng đang phát triển vắc-xin Covid-19 và giá cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 300% kể từ ngày 1/1/2020.
Tuy nhiên, không giống với Pfizer, Moderna nhận tiền đầu tư từ chính phủ Mỹ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vắc-xin Covid-19 qua chương trình Operation Warp Speed. Chương trình này là một trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm nhanh chóng đưa vắc-xin và phương pháp điều trị Covid-19 ra thị trường. Pfizer cũng tham gia Operation Warp Speed và cũng nhận được đầu tư từ chính phủ. Tuy nhiên, tiền đầu tư này không dành cho việc phát triển vắc-xin mà cho công đoạn phân phối.
Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu của Moderna tăng mạnh, còn cổ phiếu Pfizer lại giảm hơn 2%. Theo nhà phân tích Skorney, so với việc phát triển vắc-xin, Pfizer có thể không được hưởng lợi nhiều từ việc phân phối.
Tuy nhiên, Jay Clayton, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ cảnh báo CEO của các doanh nghiệp không nên bán cổ phiếu trong bối cảnh đại dịch vẫn còn nhiều biến động bởi việc này có thể gây ra dư luận xấu.
"Nếu anh là giám đốc của một công ty đại chúng ở thời điểm như thế này, sẽ có những tình huống đặc biệt để anh tham gia mua bán trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói từ lâu, trong thời điểm biến động như thế này, làm ơn hãy duy trì sự ổn định cho công ty", ông Clayton nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 5. "Tại sao anh lại muốn làm người ta phải đặt câu hỏi rằng liệu anh có đang hành động phù hợp hay không?".
Post a Comment