Mặc dù lượng cổ phiếu T+3 về tài khoảng không hề nhỏ, nhưng nhà đầu tư vẫn cực kỳ hưng phấn và chấp nhận mua vào mạnh. Đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền rất lớn.
Các cổ phiếu ngân hàng hôm nay xứng đáng là nhóm dẫn dắt toàn bộ rổ blue-chips khi tăng rất mạnh và đồng đều. Sức hấp dẫn của các cổ phiếu này được chứng thực qua thanh khoản rất lớn. Lần lượt các mã ngân hàng gây chú ý bằng các phiên bùng nổ thanh khoản lẫn giá. Có thể nói mức thanh khoản cao hôm nay của toàn thị trường chủ đạo đến từ nhóm này.
MBB có mức tăng tốt nhất trong số các mã ngân hàng trong rổ VN30. Cổ phiếu này đóng cửa tăng 3,21% so với tham chiếu, là mức tăng trong ngày tốt nhất kể từ giữa tháng 9 tới nay. Hôm qua MBB cũng đã mạnh, tăng 2,5%. Như vậy chỉ trong một vòng T+3, giá cổ phiếu này đã tăng 6,63%. Mức giá 19.300 đồng của MBB hôm nay cũng xuýt soát mức giá cao nhất của năm 2020 đạt được hồi trước Tết (19.600 đồng).
Thanh khoản của MBB cũng cực kỳ ấn tượng khi đạt mức kỷ lục kể từ đầu năm 2019. Mặc dù so với khối lượng, thanh khoản hôm nay còn thấp hơn một chút so với phiên ngày 1/6/2020, nhưng tính về giá, giữa hai thời điểm MBB đã cao hơn tới 24,3%, nghĩa là lượng tiền đổ vào MBB hôm nay cao hơn nhiều. Khỏag 308 tỷ đồng đã giao dịch tại mã này, đưa MBB lọt vào Top 5 cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt nhất thị trường.
Dẫn đầu thanh khoản là TCB, mức tăng cũng rất ấn tượng 3,14%. TCB từng là cổ phiếu siêu thanh khoản trong tháng 10 nhưng đã hạ nhiệt đáng kể kể từ đầu tháng 11 này. Hôm nay TCB lại bùng nổ, gợi nhớ tới các phiên 14 hay 20/10 vừa qua. Khoảng 510 tỷ đồng đã giao dịch ở TCB với gần 22,4 triệu cổ phiếu.
Trong Top 5 thanh khoản thị trường hôm nay còn có CTG cũng giao dịch cỡ 338 tỷ đồng với 10,7 triệu cổ phiếu. CTG tăng giá cũng 3,06% so với tham chiếu. Trong 15 cổ phiếu giao dịch vượt 100 tỷ đồng hai sàn, có gần hết các mã ngân hàng còn lại. Tổng hợp giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng trên hai sàn phiên này chiếm tới hơn 26% giá trị khớp chung.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng có vai trò rất lớn đối với VN-Index. Trong 10 mã tăng giá ảnh hưởng tốt nhất tới chỉ số này, có mặt CTG, BID, TCB, VCB, MBB, VPB, đóng góp hơn 4 điểm trong 7 điểm tăng so với tham chiếu.
Nhóm trụ còn lại có vai trò khá mờ nhạt. Ngoài VHM tăng 1,42% ra, không còn cổ phiếu nào khác đáng chú ý: VNM tăng 0,37%, SAB tăng 0,87%, VIC tăng 0,56%, GAS tăng 0,14%. Có thể nói cổ ngân hàng và VHM là động lực quyết định đà đi lên của VN-Index phiên này.
Độ rộng của sàn HSX cũng rất khá với 282 mã tăng/143 mã giảm, trong số tăng có khoảng 100 mã ở mức trên 1%. Nhóm đầu cơ cực khỏe với 14 mã kịch trần và 8 mã có thanh khoản lớn là ASM, FLC, IDI, ILB, EVG, PET, HAX, LCG.
Hôm nay thị trường cũng chứng kiến khả năng hấp thụ khối lượng cổ phiếu ngắn hạn rất mạnh khi thanh khoản tăng ấn tượng. Khoảng 491 triệu cổ phiếu hôm thứ Ba tuần này về tài khoản hôm nay và lượng khớp lệnh đạt 468,9 triệu cổ. Giá trị khớp lệnh hai sàn cũng đạt gần 7.876 tỷ đồng, thấp hơn ngày T+3 trước đó khoảng 15%.
So với hôm qua, giá trị khớp lệnh sàn HSX gia tăng gần 29%, chủ yếu tăng ở nhóm VN30. Nhóm này chứng kiến giao dịch bùng nổ tăng tới 35%. Mặc dù vậy mức gia tăng cũng chỉ đến từ các mã ngân hàng. 9 cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 đã chiếm tới xấp xỉ 52% tổng giá trị khớp của cả rổ. Những cổ phiếu còn lại tăng thanh khoản rất ít, đa số là giảm thanh khoản. Có thể nói các mã ngân hàng không chỉ giúp gia tăng điểm số mà còn làm gia tăng thanh khoản, tạo nên một phiên giao dịch rất sôi động.
Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 0,73%, VN30-Index tăng 0,89%. Cả hai chỉ số này đều đã vượt qua mức đóng cửa cao nhất của tháng 10 (mức đóng cửa ngày 23/10). Tuy vậy so với đỉnh cao nhất đạt được của chỉ số thì khoảng cách còn một chút nữa. Với VN-Index là đỉnh 970,15 điểm (hôm nay đạt 966,29 điểm), với VN30-Index là 942,72 điểm (hôm nay đạt 931,2 điểm).
Một diễn biến khác cũng khá bất ngờ là hôm nay nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mua ròng. Sàn HSX được mua ròng khoảng 222 tỷ đồng, trong đó giá trị mua khoảng 930,6 tỷ đồng. Đây là con số mua vào tốt nhất 13 phiên. Phía bán ra khoảng 708,8 tỷ đồng. Rổ VN30 được mua 199 tỷ đồng.
Như vậy hôm nay đánh dấu một ngày đảo chiều của dòng vốn ngoại sau chuỗi tuần bán ròng cực mạnh trước đó. Dù vậy tuần này khối ngoại vẫn bán ròng khoảng 1.475 tỷ đồng với cổ phiếu HSX. Tuần đầu tháng 11 khối ngoại cũng đã bán ròng gần 1.931,5 tỷ đồng.
Post a Comment