Đây là khẳng định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 tổ chức sáng 31/10.

SẼ PHÊ DUYỆT NỘI DUNG CHỈNH SỬA BỘ SÁCH CÁNH DIỀU TRƯỚC 15/11

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học vừa qua, Bộ đã thẩm định, phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng 1 khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất.

Điều này cũng phá tan sự độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoa như trước đây. Hiện nay, Bộ này đang tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 để phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022.

Liên quan đến những nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, nên đã nhận được nhiều phản ứng của dư luận xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo.

Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn.

Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, bài "Hai con ngựa" trang 157, bài "Lừa, thỏ và cọp" trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà… quà", "chén",…

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Bộ này cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Bộ này cũng thừa nhận, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, việc được nhận các ý kiến góp ý, thậm chí là phê bình sẽ giúp các tác giả, hội đồng thẩm định làm tốt hơn việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa các lớp học tiếp theo.

Trước những bất cập về sách giáo khoa như thời gian qua, trong năm học 2020-2021 và những năm học tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không được để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua.

Theo đó, sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các nhà trường.

HỢP THỨC HÓA DẠY HỌC TRỰC TUYẾN Ở BẬC PHỔ THÔNG

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, năm học 2019 - 2020 là một năm học "đặc biệt", đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước.

Chính vì vậy, thời gian tổ chức hội nghị toàn ngành được tổ chức muộn hơn so với các năm trước.

Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ đã hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục dạy học qua internet và trên truyền hình; các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm thực hiện việc dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa.

Theo thống kê, trong hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, có gần 50% trường đại học tổ chức dạy học trực tuyến; tỷ lệ học sinh phổ thông được học qua internet đạt 79,7%. Ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô tổ chức xây dựng video clip các bài giảng gửi lên Youtube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh.

Cũng theo số liệu báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc học trực tuyến phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) và chỉ thấp hơn 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến thời điểm này, sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm, sắp tới sẽ chuẩn bị ban hành quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông, tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top