Từ kinh nghiệm của gói hỗ trợ lần một, các chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ lần hai cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cần phải có trọng điểm và bình đẳng hơn cho tất cả các đối tượng, nếu không mục tiêu của chính sách sau cả hai gói sẽ không đạt được.

VẪN KHÓ TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH

Nhìn nhận về gói hỗ trợ lần một cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, trao đổi với VnEconomy, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, về mặt cơ chế là rất tốt song khi thực hiện vẫn còn nhiều bất cập làm cho mục tiêu của chính sách chưa thực sự đạt được hiệu quả.

Tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn còn thấp và đa số những lao động đã được nhận đều thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo. Trong khi đó, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức, lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp hầu như không tiếp cận được với hỗ trợ này.

"Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta chưa đạt được mục tiêu của chính sách, và bản thân chính sách đưa ra cũng có những điểm gây cản trở cho người dân", bà Hương nhận xét.

Bà Hương dẫn chứng, chẳng hạn với lao động tự do, yêu cầu họ cần có xác nhận ở nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú là rất khó thực hiện vì những lao động này thường có đặc điểm di biến cao, trong khi thủ tục lấy xác nhận tạm trú ở nhiều nơi lại khá rườm rà, phức tạp.

Cùng với đó, để được nhận tiền hỗ trợ, người lao động phải lấy xác nhận của cả hai nơi, nơi đăng ký thường trú và tạm trú, làm mất thời gian đi lại và tốn kém, nhất là đối với lao động tự do đến từ các tỉnh, thành ở xa.

Với lao động chính thức cũng vậy, vẫn còn nhiều điều kiện không khả thi khiến người lao động không thể nhận được hỗ trợ. Chẳng hạn như phải thất nghiệp liên tục trên một tháng, có đóng bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp không có doanh thu.

Theo bà Hương, điều này là bất cập mà người lao động và doanh nghiệp khó có thể đạt được. Trên thực tế, doanh nghiệp có thể bị giảm rất nhiều nhưng hoàn toàn không thể mất doanh thu. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp đã phải cố gắng hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động ở mức nhất định, nhưng bằng cách giảm việc làm dẫn đến giảm thu nhập của người lao động.

Trường hợp khác là có những doanh nghiệp phải giãn giờ làm, không nghỉ liên tục từ 1 tháng nhưng lại nghỉ rất nhiều ngày trong tháng như nghỉ 7 ngày, nửa tháng thì họ cũng không đủ điều kiện.

"Tôi biết có những lao động chính thức đã đủ điều kiện rồi nhưng họ lại cần thêm xác nhận của công ty nơi đã làm việc, nhưng doanh nghiệp thì lại cho rằng khi họ đã cho công nhân nghỉ việc là coi như hết trách nhiệm, giờ lại cần xác nhận nữa thì quá là rắc rối, liệu ai có đủ kiên nhẫn để làm nữa không", bà Hương nhận định.

TIỀN HỖ TRỢ CẦN ĐẾN ĐÚNG ĐỊA CHỈ

Với kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần một như vậy, bà Hương cho rằng nếu ở gói hỗ trợ thứ hai mà những lao động chính thức và phi chính thức vẫn không nhận được nữa thì rõ ràng chúng ta đã không đạt được mục tiêu trong cả hai gói.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang cân nhắc, xem xét gói hỗ trợ lần hai, theo bà Hương ở gói này cần nhìn nhận rõ ràng những hạn chế của gói một và nếu không khắc phục được thì chúng ta không những không đạt được mục tiêu mà điều đó làm mất lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

"Theo tôi, nên gộp hai gói thành một gói cứu trợ lớn hơn vì gói lần một chúng ta vẫn chưa giải ngân được nhiều. Các quy định gây rào cản cũng phải sửa đổi, bỏ đi, trong đó cần hỗ trợ tất cả những ngành nghề bị ảnh hưởng, thời gian cũng phải kéo dài hơn vì dịch Covid-19 hiện vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta không thể có chính sách chắp vá ví dụ 3 tháng một lần được mà nên có chính sách dài hạn hơn đến năm 2021", bà Hương đề xuất.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo "Hướng tới thu hút FDI bền vững tại ASEAN: Môi trường kinh doanh là động lực chính" vừa diễn ra, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc hỗ trợ là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất từ 10 năm qua.

"Tôi nghĩ việc hỗ trợ là cần thiết tuy vậy nên có trọng điểm và cũng bình đẳng cho tất cả những doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi được kinh doanh, thí dụ như doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, doanh nghiệp có liên kết với thị trường nước ngoài thì chúng ta nên cố gắng", chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nên có hội đồng độc lập để tham khảo tất cả doanh nghiệp, bởi vì trên thực tế hiện nay nhu cầu cần được hỗ trợ thì rất lớn mà khả năng và nguồn lực của chúng ta có hạn. Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao đưa số tiền hỗ trợ vào được các địa chỉ có hiệu quả nhất.

Trước đó, trả lời băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, thực tế trong gói 62.000 tỷ đồng còn nhiều khoản hỗ trợ khác như hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất; hỗ trợ cho vay, tiền giải quyết bảo hiểm thất nghiệp…

Tiền mặt hỗ trợ thực tế chỉ khoảng hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó, đến nay đã phê duyệt thực chất là 24.000 tỷ đồng nhưng đã chi được 14.000 tỷ đồng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top