Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sự thích ứng của các doanh nghiệp với các điều kiện kinh doanh mới, các biện pháp đảm bảo an toàn là ưu tiên bức thiết. Chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân nữ ASEAN với chủ đề: "Thay đổi vì một cộng đồng doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn", nữ lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khắp trong, ngoài nước như: Facebook, Coca Cola, Central Group, Vietjet, BRG, TH… đã chia sẻ câu chuyện thích ứng của mình với những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm vượt qua đại dịch an toàn, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị do Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam tổ chức cùng các đối tác, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh vai trò của các nữ doanh nhân trong quá trình hồi phục kinh tế. Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, những thách thức do dịch bệnh đặt ra đối với các doanh nghiệp đòi hỏi sự đoàn kết, chung tay nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn, thúc đẩy hợp tác trong khu vực, sự thích ứng của tất cả doanh nghiệp, kêu gọi sự thay đổi vì một cộng đồng doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn. Đây cũng là sự kiện tiếp nối thành công sáng kiến của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN/ APEC.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Mạng Doanh nhân nữ ASEAN Nguyễn Thị Tuyết Minh cũng khẳng định cần phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể và xây dựng các quan hệ đối tác hiệu quả, củng cố tình đoàn kết và thống nhất trong đa dạng để nhân lên sức mạnh, sự năng động của Mạng Doanh nhân nữ ASEAN.
Ngành hàng không với tỷ lệ lãnh đạo nữ chỉ khoảng 3% cũng là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hàng không thế giới cần 3 năm để hồi phục. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đã thành công trong phòng chống dịch và có lợi thế 22 cảng hàng không với mạng đường bay nội địa rộng khắp, lợi thế trên 95 triệu dân, trong đó trên 50% là dân số trẻ, cùng nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Trong khi đó, Vietjet có khả năng ứng phó tốt, có sự linh hoạt, tự tin, lạc quan và sáng tạo.
Vietjet là một trong những hãng hàng không hiếm hoi khi có cả Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc là nữ, những người đã truyền lửa từ trái tim, lan toả nhiệt huyết, sáng kiến, sáng tạo, đổi mới, chuyển đổi số… sẽ giúp công cuộc chống Covid 19 thành công và sẵn sàng cho sự phục hồi. Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng được vinh danh với nhiều giải thưởng cho nữ doanh nhân không chỉ tại ASEAN mà cả thế giới.
Trong giai đoạn ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, các nữ tướng Vietjet cùng các cộng sự đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp chủ động đối phó, áp dụng các chính sách tối ưu hóa nguồn lực tài chính, nhân lực, các sản phẩm thích nghi với một thị trường mới, ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, chuyển đổi số… Vietjet là hãng hàng không hiếm hoi vẫn hoạt động ổn định, không sa thải nhân viên, ghi nhận kết quả kinh doanh có lãi trong 6 tháng đầu năm 2020.
Chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân nữ ASEAN, Phó Tổng giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương cho biết, ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát, Vietjet đã kích hoạt Uỷ ban khẩn nguy phòng chống Covid-19 để theo dõi tình hình dịch và đưa ra các giải pháp ứng phó trong mọi hoạt động của công ty. Uỷ ban đã hoạt động hiệu quả, toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều được an toàn trong khi chúng tôi thực hiện hàng ngàn chuyến bay quốc tế giải toả khách và không ít chuyến bay tới vùng dịch để giải toả khách.
"Nhờ việc kịp thời đánh giá tác động của đại dịch nên Vietjet đã thích ứng tốt với tình hình và đi qua giai đoạn cách ly xã hội một cách tích cực", Phó tổng giám đốc Vietjet phát biểu. "Khi Việt Nam dừng khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế, giảm nhiều chặng bay, nhiều chuyến bay thương mại nội địa, Vietjet đã tăng cường các chuyến bay giải cứu công dân, tăng cường các chuyến bay vận chuyển trang thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt, hãng đã chuyển hướng vận chuyển hàng hóa và là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách. Chúng tôi cũng cho ra mắt hạng vé Deluxe và SkyBoss mới, mang tới cho hành khách trải nghiệm mới với những chuyến bay tiện nghi, vui vẻ.
Bà Yến Phương cũng chia sẻ, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, hãng hàng không hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho các hãng hàng không, trong đó có Vietjet để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho những kế hoạch phát triển trong điều kiện mới."
Tại hội nghị - sân chơi chung của cộng đồng nữ doanh nhân ASEAN, bà Supatra Chirathivat, Phó Chủ tịch thường trực - Văn phòng Quản lý chính sách về quan hệ doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội Central Group cùng chia sẻ câu chuyện về các biện pháp hỗ trợ, cách thay đổi tư duy, mô hình hoạt động để đối phó với giai đoạn khó khăn chưa từng có với kinh tế Thái Lan nói chung, ngành du lịch, bán lẻ nói riêng. Theo đó, Central Group đã thúc đẩy công nghệ với các mô hình bán hàng đa kênh, các sản phẩm an toàn… Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Indonesia Dyah Anita Prihapsari cũng chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ, nền tảng số để các doanh nghiệp, các doanh nhân nữ Indonesia có thể điều hành công việc ngay trong giai đoạn cách ly xã hội, tiếp tục phát triển doanh nghiệp.
Các nữ doanh nhân Việt đã cùng thảo luận và chia sẻ các kinh nghiệm ứng phó, chia sẻ định hướng phát triển trong thời gian tới, hướng tới chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới, với các mô hình hoạt động hiệu quả hơn, tối ưu hóa nguồn lực để không chỉ khôi phục, phát triển mà còn thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đảm bảo an toàn trước những thách thức dịch bệnh. Sự thành công ngày càng nổi bật của các nữ doanh nhân nói chung, nữ doanh nhân Việt nói riêng như các nữ lãnh đạo của Vietjet trên thị trường cũng góp phần khẳng định bản lĩnh và sức mạnh của các nữ tướng Việt, nâng cao vai trò và thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.
Post a Comment