Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử đêm qua nhưng dường như vẫn chưa đủ "nặng ký" để thổi thị trường trong nước lên cao hơn. Tới 4 lần trong phiên hôm nay VN-Index vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm rồi lại để mất.
Sự suy yếu của một số cổ phiếu vốn hóa lớn về cuối phiên có thể bị đổ lỗi cho việc VN-Index đóng cửa rơi trở lại mốc 999,94 điểm và không giữ được ngưỡng 1.000 điểm. Trong phiên có lúc VN-Index đã lên tới 1.002,31 điểm.
Nếu có lỗi "to" nhất thì chỉ là VHM. Cổ phiếu này càng về cuối phiên càng yếu và đóng cửa giảm 0,36% so với tham chiếu. Thực ra VHM cũng có công lớn, đầu phiên cổ phiếu này tăng rất mạnh 2,27%. Mãi đến gần cuối đợt khớp lệnh liên tục VHM mới rơi trở lại tham chiếu và ATC thì tụt xuống dưới tham chiếu.
Tuy nhiên đổ lỗi cho VHM cũng không đúng vì VHM chỉ trong T+3 đã tăng hơn 10% đến nửa buổi sáng nay. Nhà đầu tư có quyền chốt lời, không ai bắt họ phải giữ cổ phiếu lại để giúp VN-Index đạt 1.000 điểm cả. Rất nhiều cổ phiếu khác cũng vẫn còn tăng giá, việc VHM giảm cũng chỉ là 1 yếu tố. Quan trọng hơn là rất nhiều blue-chips cũng suy yếu giống VHM, chỉ là chưa đến mức giảm xuống dưới tham chiếu mà thôi.
Nhóm trụ còn tăng đến hết phiên là VCB tăng 1,19%, SAB tăng 1,59%, VIC tăng 1,54%, VNM tăng 0,82%, BID tăng 1,47%, CTG tăng 0,76%. Đây toàn là các cổ phiếu vốn hóa rất lớn nên VHM cũng chỉ có thể tác động ở mức độ nhất định.
Nguyên nhân chính khiến VN-Index đuội dần những phút cuối là có áp lực xả gia tăng trong nhóm blue-chips. Nhiều cổ phiếu phải hạ độ cao rất nhanh dưới áp lực này. Chẳng hạn GAS cũng trả lại hơn 1% điểm tăng, VCB trả lại khoảng 0,7%, SAB tụt hơn 1%, CTG khoảng 1,5%...
Việc đưa VN-Index qua mốc 1.000 điểm trong phiên hôm nay cũng phụ thuộc rất nhiều vào các trụ. Hiện tượng luân phiên thể hiện rất rõ trong phiên: VIC tăng liên tục buổi sáng kể hợp với SAB, VHM giữ VN-Index. BID bùng nổ khoảng 11h. VCB kéo VN-Index lên từ sau 1h30. Cứ mỗi khi các trụ bật tăng mạnh là VN-Index xuất hiện một nhịp tăng với đỉnh cao đều vượt mốc 1.000 điểm. Thất bại duy nhất là đợt ATC khi thường có khối lượng bán được dồn lại, thay vì cung cầu một thời điểm trong đợt liên tục.
Việc VN-Index để mất mốc 1.000 điểm trong phiên không quan trọng vì chỉ số vẫn còn ở 999,94 điểm. Chỉ cần ngày mai một vài mã lớn tăng thêm là lại vượt được mốc 1.000 điểm. Độ rộng của HSX cuối phiên vẫn nghiêng nhẹ về phía giảm với 205 mã tăng/220 mã giảm. Mức này thị trường gần như cân bằng. Vì vậy cơ hội bật tăng thêm vẫn mở rộng.
Điều đáng chú ý hơn là biên độ tăng giá ở cổ phiếu khá yếu phiên này. VN-Index tăng nhẹ 4,18 điểm có thể do ảnh hưởng của những mã vốn hóa lớn, nhưng biên độ tăng giá ở cổ phiếu cũng không đủ mạnh trong một phiên giao dịch rất cởi mở: Sàn HSX chỉ có chưa tới 90 mã tăng vượt quá được 1%, trong đó chỉ khoảng 50 mã tăng trên 2%. Thậm chí các mã đầu cơ cũng mất "nhiệt", chỉ có 8 mã kịch trần và một nửa là có thanh khoản đảm bảo như VRC, LHG, HNG, IMP.
VN30-Index tăng không đáng kể 1,02 điểm tương đương 0,11%. Hiệu ứng của việc kéo trụ lên đã không thể kéo theo chỉ số này. Midcap lại giảm 0,45%, Smallcap tăng 0,02%. Như vậy có lẽ chỉ riêng VN-Index đang có tiến triển tốt nhất nhờ hiệu quả của một số mã lớn tăng giá.
Thanh khoản phiên hôm nay cũng bắt đầu suy yếu. HPG phiên này giao dịch cực lớn tới gần 55,7 triệu cổ trị giá 1.992 tỷ đồng. Như vậy HPG đã tăng giao dịch khoảng 9% so với hôm qua. Tuy vậy VN30 vẫn giảm giá trị khớp lệnh 3%, Midcap giảm 26%, Smallcap giảm 17%. Giá trị khớp sàn HSX đạt 9.738 tỷ đồng, giảm 11% so với hôm qua, khiến tổng mức khớp hai sàn cũng giảm 11%.
Mức giao dịch gần 10.802 tỷ đồng khớp lệnh hôm nay vẫn là con số rất lớn. Điều này cũng chứng thực khả năng vốn dồi dào trên thị trường. Nhà đầu tư mua vào vẫn đang đặt cược vào khả năng tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên mức tăng đối với cổ phiếu cũng như thị trường chung qua VN-Index vẫn không bứt tốc được rõ ràng. Điều đó nghĩa là vẫn có lực xả rất lớn cản bước. Để giá tăng mạnh hơn nữa, cần phải có lực cầu khổng lồ thêm, vì đã ba ngày nay gần 1,7 tỷ cổ phiếu trao tay mà vẫn còn hàng bán ra rất nhiều.
Post a Comment