Theo lịch trình của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã được thống nhất, các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương đại diện cho các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 4 vào hôm nay (15/11) theo hình thức trực tuyến để thảo luận việc đạt được một hiệp định được chờ đợi từ lâu. Đây là hiệp định đầu tiên bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thủ tướng trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN cũng nhấn mạnh: "Chúng ta cũng sẽ chính thức kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác".
RCEP: HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT THẾ GIỚI
Về Hiệp định RCEP, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết đàm phán Hiệp định RCEP đã được hoàn tất. Các nước tham gia đàm phán đang hoàn tất cả thủ tục nội bộ để có thể ký kết Hiệp định. Nếu các thủ tục được hoàn tất kịp thời, lễ ký diễn ra ngày 15/11, tại Hà Nội.
Thứ trưởng cho hay, Hiệp định RCEP tốn rất nhiều năm để đàm phán thương lượng, điều này cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn của hiệp định, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay bị ảnh hưởng bởi COVID-19, gây đứt gãy rất nhiều các chuỗi cung ứng. Việc ký kết hiệp định này cũng sẽ tạo nên một sức bật mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là giữa các nước tham gia ký kết.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do liên quan đến 10 quốc gia ASEAN với 6 đối tác thương mại, bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và New Zealand. Tuy nhiên, năm 2019, Ấn Độ đã quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán RCEP.
Trải qua 8 năm đàm phán kể từ cuộc đàm phán đầu tiên năm 2020, 15 quốc gia tham gia RCEP đã kết thúc đàm phán trên văn bản cho tất cả 20 chương của hiệp định và các vấn đề tiếp cận thị trường. Hiệp định RCEP đã được lên kế hoạch ký chính thức trong năm nay, có hiệu lực vào năm 2021 hoặc tháng 1/2022 dù có hay không có Ấn Độ.
Tờ South China Morning Post cũng cho biết, mọi thủ tục đã được hoàn tất, Trung Quốc đã sẵn sàng ký kết hiệp định vào ngày 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội. Việc ký kết thỏa thuận là một phần trong các hoạt động của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại chuỗi sự kiện Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội từ ngày 12-15/11.
Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 nước tham gia chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu và hơn 2,2 tỷ dân, vượt xa các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Truyền thông Singapore, Nhật Bản đều cho rằng việc kí kết Hiệp định RCEP chính là mục đích cao nhất của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này. Riêng Bắc Kinh thì kỳ vọng RCEP mang lại lợi ích chiến lược dài hạn và củng cố quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc.
NHIỀU KỲ VỌNG XUẤT KHẨU TRONG THỊ TRƯỜNG 2,2 TỶ DÂN
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý lời văn để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định vào tháng 11/2020 tại Hà Nội. Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt trong nhiều lĩnh vực để xử lý những vấn đề vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
"Khi RCEP được thực thi sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
Hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6/2019, việc kết thúc đàm phán RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp Việt đang kỳ vọng lớn vào RCEP bởi sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ. Đặc biệt, các thị trường này không quá khó tính, nên Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh để xuất khẩu nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.
Bà Trang cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại hay phải xây dựng các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan cũng như giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất.
"Nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, thì khi tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. Doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn. Do đó, RCEP là cơ hội lớn hơn cho Việt Nam", bà Trang phân tích.
Post a Comment