Một số nhóm ngành đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2020 tình hình khởi sắc hơn so với hai quý đầu năm, nhưng nhóm hàng không thì ngược lại.
CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG VẪN LỖ LỚN
Đại dịch Covid 19 vẫn tác động tiêu cực lên hai anh cả trong ngành hàng không là Vietnam Airlines và VietJet Air dù 9 tháng đã trôi qua và một khoảng thời gian dài Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm ra ngoài cộng đồng.
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Ailrines tiếp tục giảm mạnh trong quý 3/2020, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp ghi nhận lỗ 3.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi tương đương 3.300 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng các chi phí khác, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 3.942 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2019 ghi nhận lãi 1.506 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lên đến 10.504 tỷ đồng. Đúng như với dự báo mà ban lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra hồi giữa năm 2020.
Lý giải về sự sụt giảm mạnh các chỉ số kinh doanh, ban lãnh đạo Vietnam Ảilrines cho biết chủ yếu vẫn là do tác động của Covid 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3/2020 của công ty mẹ giảm tới 66% chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 67,2% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 12.536 tỷ đồng, trong đó, doanh thu hành khách nội địa giảm 34,8%, quốc tế giảm mạnh đến 95,4%, doanh thu thuê chuyến giảm 53,2%.
Ngoài công ty mẹ, Vietnam Airlines lỗ còn do trong quý 3 vừa qua các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vacs, Skypec, Viags…
Nguồn lực tài chính của Vietnam Airlines cũng dần suy yếu. Trong đó, nguồn tiền giảm mạnh từ 1.743 tỷ đồng từ đầu năm xuống chỉ còn 802 tỷ đồng tính đến ngày 30/9. Tổng tài sản giảm từ 76.454 tỷ đồng xuống còn 62.370 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 18.607 tỷ đồng xuống còn 6.610 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến 30/9 là 55.759 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn chủ sở hữu.
Dòng tiền kinh doanh Vietnam Airlines hiện đang âm 6.269 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương gần 7.874 tỷ đồng.
Những khó khăn của ngành hàng không cũng phản chiếu vào bức tranh tài chính kinh doanh của hàng không giá rẻ VietJet Air. Quý 3 năm nay, VietJet Air báo lỗ sau thuế 971 tỷ đồng, trong khi quý 3 năm 2019 lãi 1.699 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng năm nay, hãng hàng không giá rẻ này ghi nhận lỗ 924 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số lãi 3.680 tỷ đồng của 9 tháng năm 2019.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu vận chuyển hành khách của VietJet Air quý này chỉ đạt 1.300 tỷ đồng, giảm đến 82% so với năm ngoái. Đáng lưu ý, doanh thu từ chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay quý này không ghi nhận đồng nào.
Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh, chỉ còn 2.298 tỷ đồng, đầu năm ghi nhận 5.364 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 14.902 tỷ đồng xuống còn 13.982 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh của VietJet Air tiếp tục âm từ năm ngoái, riêng quý này ghi nhận âm 1.261 tỷ đồng.
Đối với hãng hàng không Bamboo Airways, dù không thuyết minh chi tiết nhưng Công ty mẹ FLC quý 3/2020 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.346 tỷ đồng, giảm 33,8% so với quý 3/2020. Giá vốn hàng bán vượt doanh thu khiến công ty lỗ gộp gần 327 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đã làm doanh thu giảm so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán trong kỳ bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, chi phí văn phòng, căn hộ… của mảng Hàng không, khách sạn, du lịch.
Tuy vậy, quý này, FLC vẫn báo lãi sau thuế đạt gần 577 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với cùng kỳ nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 182% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,317 tỷ đồng.
DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ HÀNG KHÔNG CŨNG LỖ
Dịch bệnh tác động xấu lên các hãng hàng không, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp hậu cần - những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng, và cho các hãng hàng không lớn.
Chẳng hạn, tại Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài đã phải kinh doanh dưới giá vốn, lỗ 26 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty này lỗ 43,2 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty lý giải, đại dịch Covid-19 khiến một số hãng bay quốc tế dừng bay và các hãng nội địa giảm mạnh số chuyến bay, từ đó kéo giảm sản lượng suất ăn của công ty.
Tương tự, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco lỗ 32 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh lỗ 10 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng lỗ 5 tỷ đồng.
Riêng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị quản lý vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước ghi nhận lợi nhuận 138 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Mặc dù giảm nhưng so với các doanh nghiệp trong cùng nhóm ngành, mức lợi nhuận mà ACV có được là mơ ước.
Đáng lưu ý, khoản lãi mà ACV có được trong quý 3 là nhờ lãi tiền gửi từ khoản tiền gần 34.000 tỷ đồng. Trên thực tế, lãi gộp trong quý của ACV chỉ ghi nhận vỏn vẹn 41 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid 19, Uỷ Ban quản lý vốn Nhà nước mới đây đã cảnh báo ACV sẽ gặp khó khi mà nguồn tiền tích luỹ trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ giảm sút mạnh, và dự báo lợi nhuận đến năm 2025 tiếp tục giảm, thấp hơn với mức năm 2019.
KHÓ KHỞI SẮC NGAY QUÝ 4/2020
Sau khi dịch được kiểm soát từ tháng 8 năm nay, các hãng hàng không Việt Nam kỳ vọng phục hồi nhờ nối các chuyến bay trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, trao đổi với VnEconomy, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, ngành hàng không và ngành du lịch trong nước cũng như quốc tế có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước bởi các doanh nhân ở khắp nơi trên thế giới nhận ra rằng họ có thể vẫn chốt được hợp đồng thông qua ứng dụng hội họp trực tuyến từ công ty và thậm chí từ nhà.
“Do tâm lý e ngại lây bệnh khi đi lại đường hàng không và khả năng hội họp trực tuyến mà không cần phải gặp mặt nhau nên nhu cầu hàng không giảm xuống đáng kể trong tương lai ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Do đó dự báo nhu cầu hàng không trên thế giới cũng như của Việt Nam trong vài năm nữa mới trở lại mức năm 2019 trước khi có đại dịch Covid-19 và mức tăng trưởng cũng thấp hơn trước”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng không khẳng định.
Bức tranh kinh doanh - tài chính của doanh nghiệp ngành hàng không được dự báo sẽ khó khởi sắc trở lại ngay trong quý 4/2020 khi mà mùa du lịch đã hết, mùa đông xuân đã đến và thế giới chưa có một loại vắc xin chính thức nào được lưu hành.
Đà sụt giảm sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hoá vẫn tiếp tục gia tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 10, sản lượng điều hành bay đi đến trong tháng 10 của cả nước đạt 263 nghìn chuyến, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 25,6 triệu hành khách, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,7 triệu, giảm 81,2% so với cùng kỳ năm 2019; Khách nội địa đạt 22,9 triệu khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.
5 hãng hàng không Việt Nam bao gồm: Vietnam Airlines, ViejJet Air, Jestar Pacifics, Vasco, Bamboo Airlines khai thác tổng 15.916 chuyến bay, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, Jetstar Pacific giảm mạnh nhất, gần 70% với số chuyến bay 904 chuyến; VietJet Air giảm 61% với tổng chuyến bay khai thác 4.668 chuyến; Vietnam Airlines giảm 31% với tổng chuyến bay khai thác 7.365 chuyến.
Post a Comment