Chỉ còn một ngày nữa Mỹ sẽ chính thức bước vào kỳ bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2021 - 2025. Với số lượng phiếu bầu qua thư tăng đột biến do đại dịch Covid-19 và lượng cử tri đi bầu sớm tăng vọt, nước này dự kiến sẽ có một kỳ bầu cử chưa từng có trong lịch sử.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ do việc vận chuyển phiếu bầu qua thư và quy định kiểm phiếu khác nhau tại các bang làm gia tăng quan ngại về cuộc bầu cử trong bối cảnh Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về chính trị. Và kể cả khi kịch bản cực đoan nhất về một cuộc chiến pháp lý kéo dài không xảy ra, có khả năng cử tri Mỹ vẫn không biết ai là người chiến thắng vào đêm bầu cử.
Dưới đây là 4 vấn đề lớn mà Mỹ phải đối mặt vào ngày bầu cử, theo Nikkei Asia.
LƯỢNG CỬ TRI ĐI BẦU CAO KỶ LỤC, CHIA RẼ SÂU SẮC
Số lượng cử tri Mỹ đi bầu năm nay có thể đạt mức cao nhất trong 112 năm, khi người dân với sự chia rẽ chính trị sâu sắc đổ tới các điểm bầu cử để chọn ra lãnh đạo tiếp theo.
Theo số liệu cập nhật của Dự án bầu cử Mỹ, tính tới ngày 30/10, đã có hơn 86 triệu người Mỹ đi bầu sớm, tăng 48% so với năm 2016. Con số này tương đương gần 65% tổng số cử tri đi bầu cử của năm 2016 (136 triệu). Năm nay ghi nhận sự tham gia của một số lượng lớn cử tri không đi bầu cử vào năm 2016.
Một số bang đã nới lỏng quy định bầu cử sớm để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các điểm bỏ phiếu.
Michael McDonald, quản lý tại Dự án bầu cử Mỹ, dự báo năm nay sẽ có khoảng 150 triệu cử tri Mỹ đi bầu cử, tương đương tỷ lệ 65% những người đủ điều kiện, và là con số chưa từng thấy kể từ năm 1908. Trong khi đó, Nate Silver, giám đốc trang phân tích bầu cử FiveThirtyEight.com dự báo con số này có thể lên tới 165 triệu người.
Tại hạt Travis, bang Texas, bao gồm thủ phủ Austin, tính tới ngày 28/4 đã có 486.000 người bầu cử sớm. Con số này cao hơn tổng số người đi bầu cử của năm 2016.
Tại bang North Carolina, đã có 3,87 triệu người bầu cử sớm, bao gồm 26% cử tri không bỏ phiếu vào năm 2016. Vào cuộc bầu cử sơ bộ vào mùa xuân năm nay, số lượng cử tri đi bầu ở một số khu vực của bang này đã giảm do tác động của dịch Covid-19.
NGUY CƠ TẮC NGHẼN TẠI ĐIỂM BẦU CỬ
Với số lượng cử tri lớn dự kiến sẽ xuất hiện tại các điểm bầu cử vào ngày 3/11, một số tổ chức phi chính phủ cảnh báo tình trạng tắc nghẽn sẽ xảy ra do công tác phòng dịch Covid-19.
Liên đoàn Nữ cử tri cảnh báo mọi người nên chuẩn bị tinh thần cho việc phải chờ đợi lâu hơn bởi "nhân viên sẽ phải liên tục khử trùng thiết bị và điểm bỏ phiếu". Bên ngoài các điểm bỏ phiếu, cử tri sẽ phải xếp thành hàng, giữ khoảng cách 2 m và một số nơi sẽ phải chờ đợi dưới thời tiết lạnh giá.
Tại Wisconsin, một bang "chiến địa" ở khu vực trung tây, các điểm bỏ phiếu đã yêu cầu cử tri "kiên nhẫn xếp hàng". Trong cuộc bầu cử năm 2016, khi các điểm bỏ phiếu sớm bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 10 ở bang này, cử tri đã phải xếp hàng dài từ nửa đêm.
Bên cạnh đó, số lượng điểm bỏ phiếu trực tiếp hạn chế cũng sẽ góp phần khiến tình trạng chờ đợi kéo dài. Tại ban Georgia, số lượng điểm bỏ phiếu đã giảm 331 điểm so với tháng 11/2012 sau phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2013 về việc bãi bỏ Đạo luật Quyền bầu cử năm 1965. Quan chức địa phương cho biết việc đóng cửa bớt các điểm bỏ phiếu giúp tiết kiệm tiền thuế của người dân, trong khi đó các nhà hoạt động bảo vệ quyền bầu cử khẳng định động thái này nhằm trấn áp những cử tri da màu.
Theo một phân tích của Georgia Public Broadcasting và ProPublica, dù khu vực thành thị quanh thành phố Atlanta, bang Georgia có tới 50% số lượng cử tri của bang, số điểm bỏ phiếu tại đây chỉ chiếm 38%.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng quan ngại về tình trạng chậm trễ trong việc vận chuyển phiếu bầu qua thư. Phiếu bầu vắng mặt thường mất nhiều thời gian hơn để tới được các văn phòng bầu cử, đặc biệt là tại các bang chiến địa bởi dịch vụ bưu điện Postal Service đang phải vật lộn với số lượng phiếu bầu qua thư tăng vọt.
BẦU CỬ QUA THƯ GÂY NHẦM LẪN
Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được quyết định bởi Đại cử tri đoàn. Phiếu bầu đại cử tri được phân bổ dựa trên kết quả phiếu bầu phổ thông tại mỗi bang, tương ứng với dân số. Và ứng viên tổng thống phải giành được 270/538 phiếu đại cử tri để chiến thắng.
35 tiểu bang và Washington, D.C. là các bang nghiêng hẳn về một đảng nhất định và có thể sẽ công bố kết quả ngay sau khi bầu cử kết thúc. Ví dụ, California và New York, ủng hộ mạnh mẽ đảng Dân chủ và gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Trong khi đó, bang Tennessee và Oklahoma gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông Donald Trump.
Tuy nhiên, 15 bang còn lại - thường được gọi là bang "chiến địa" với cuộc đua tranh cử diễn ra sát nút, có nhiều vấn đề "đau đầu" hơn.
Với quy định và hệ thống bầu cử khác nhau, 5 trong số 15 bang "chiến địa" bao gồm North Carolina, Florida và Arizona, có thể bắt đầu kiểm phiếu trước ngày 3/11. Điều này có thể giúp các bang này đưa ra kết quả người chiến thắng tương đối sớm. Nhưng 10 bang còn lại, bao gồm các bang được theo dõi sát sao gồm Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, sẽ chỉ kiểm phiếu vào ngày bầu cử. Do đó, có thể phải tới sáng ngày 4/11 mới biết được kết quả bầu cử tại các bang này.
Theo một nhà nghiên cứu tại Đại học Florida, tới thời điểm này năm nay số lượng phiếu bầu qua thư đạt kỷ lục hơn 55 triệu. Phiếu bầu vắng mặt thường cần nhiều thời gian và công sức hơn để kiểm đếm so với phiếu bầu trực tiếp, bởi vì phải kiểm tra tính hợp lệ và đảm bảo thông tin khớp với danh sách cử tri.
Một số bang chấp nhận phiếu bầu qua thư được gửi đến sau ngày bầu cử, bao gồm 6 trong 15 bang "chiến địa", miễn là phiếu bầu được đóng dấu bưu điện vào ngày 2/11 hoặc 3/11, tùy từng bang. Tại bang Ohio, thời gian chấp nhận phiếu bầu qua thư kéo dài tới tận ngày 13/11. Càng nhiều phiếu bầu tới sau ngày bầu cử, càng mất nhiều thời gian hơn để công bố kết quả.
Cuộc bầu cử năm 2000 với hai ứng viên là George W. Bush và Al Gore gặp khúc mắc ở bang Florida, dẫn đến một cuộc chiến pháp lý về việc kiểm phiếu lại. Vụ việc sau đó được phán quyết bởi Tòa án Tối cao 37 ngày sau ngày bầu cử, với chiến thắng thuộc về ông Bush.
Thông thường, một khi truyền thông và các nguồn khác công bố đa số phiếu đại cử tri bầu cho một ứng viên, ứng viên còn lại sẽ thừa nhận thất bại và chúc mừng người chiến thắng. Tuy nhiên, ông Trump từng ám chỉ rằng ông có thể không nhượng bộ nếu thua cử và điều này, nếu xảy ra, có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài về kết quả bầu cử.
CÁC ỨNG VIÊN TUYÊN BỐ CHIẾN THẮNG SỚM
Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cho rằng Trump có thể sẽ sớm tuyên bố mình là người chiến thắng ngay sau khi các bang "chiến địa" bắt đầu kiểm phiếu. Năm 2016, ông Trump chiến thắng tại bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin in 2016. Số lượng phiếu bầu trực tiếp tại các bang này dự kiến nghiêng về ông Trump và do đó có thể cho thấy kết quả ông chiến thắng. Tuy nhiên, 70% phiếu bầu sớm và qua thư tại các bang này lại được cho là nghiêng về ông Biden.
Josh Mendelsohn, CEO của viện nghiên cứu Hawkfish (New York, Mỹ) cảnh báo rằng ông Trump có thể đơn phương công bố mình giành chiến thắng tại các bang này và yêu cầu dừng việc kiểm phiếu qua thư. Tổng thống Mỹ liên tục lập luận rằng phiếu bầu qua thư có thể dẫn tới gian lận bầu cử quy mô lớn và ông có thể sẽ cố gắng tìm cách phủ nhận kết quả, Mendelsohn nhận định.
Trong khi đó, phía ông Biden có thể sẽ kiện nếu ông Trump yêu cầu các bang dừng kiểm phiếu bầu qua thư. Để chuẩn bị cho việc này, ông Trump đã gấp rút bổ nhiệm một thẩm phán mới thuộc đảng Cộng hòa vào Tòa án Tối cao.
Post a Comment