Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines thông tin như vậy tại Hội nghị kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức diễn ra hôm 5/11.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, thị trường hàng không quốc tế vẫn khó khăn và chưa thể phục hồi trong năm 2021 do tác động của đại dịch Covid 19 đã gây áp lực khó khăn lên hãng này. Các đường bay của Vietnam Airlines hiện tại chủ yếu bay quốc tế.
Đối với đường bay nội địa, dự kiến sang năm 2021 sẽ phục hồi và đạt sản lượng vận chuyển hành khách ngang bằng với năm 2019 tuy nhiên giá bán vé vẫn quá thấp, thậm chí dưới 50% mức giá năm 2015 do các hãng đều dồn cả vào thị trường nội địa, giá cạnh tranh nhau từng đồng.
“Với tình hình như vậy dự kiến sang năm 2021 mỗi ngày Vietnam Airlines sẽ lỗ từ 55 - 60 tỷ đồng”, ông Trịnh Hồng Quang nói và cho biết thêm, mức lỗ của năm 2021 vẫn sẽ ngang bằng với mức lỗ năm 2020.
Để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm chỉ đạo SCIC sớm có phương án tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines. "Về phương án tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines nếu làm ngay còn kịp, chậm trễ để sang quý 1/2021 mới có phương án thì dòng tiền Vietnam Airlines cần khi tăng vốn điều lệ sẽ khó khăn", ông Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, các hãng hàng không trên thế giới đến nay nếu không có tài trợ từ Chính phủ thì đều đệ đơn phá sản.
Do đó, Vietnam Airlines đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam sớm có đánh giá tổng thể ngành hàng không hiện nay để có những quyết sách phù hợp, kịp thời, giúp ngành này có đủ năng lực cạnh tranh với các hãng trên giới.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn kiến nghị có giá trần, điều chỉnh giảm một số khoản phí liên quan đến hoạt động ngành hàng không... Kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ của ngành hàng không đến hết ngày 31/12/2021 như giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hàng không….
Báo cáo tài chính quý 3/2020 của Vietnam Airlines vẽ lên bức tranh u ám về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Ailrines tiếp tục giảm mạnh trong quý 3/2020, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp ghi nhận lỗ 3.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi tương đương 3.300 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng các chi phí khác, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 3.942 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2019 ghi nhận lãi 1.506 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lên đến 10.504 tỷ đồng. Đúng như với dự báo mà ban lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra hồi giữa năm 2020.
Lý giải về sự sụt giảm mạnh các chỉ số kinh doanh, ban lãnh đạo Vietnam Ảilrines cho biết chủ yếu vẫn là do tác động của Covid 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3/2020 của công ty mẹ giảm tới 66% chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 67,2% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 12.536 tỷ đồng, trong đó, doanh thu hành khách nội địa giảm 34,8%, quốc tế giảm mạnh đến 95,4%, doanh thu thuê chuyến giảm 53,2%.
Ngoài công ty mẹ, Vietnam Airlines lỗ còn do trong quý 3 vừa qua các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vacs, Skypec, Viags…
Nguồn lực tài chính của Vietnam Airlines cũng dần suy yếu. Trong đó, nguồn tiền giảm mạnh từ 1.743 tỷ đồng từ đầu năm xuống chỉ còn 802 tỷ đồng tính đến ngày 30/9. Tổng tài sản giảm từ 76.454 tỷ đồng xuống còn 62.370 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 18.607 tỷ đồng xuống còn 6.610 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến 30/9 là 55.759 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn chủ sở hữu.
Dòng tiền kinh doanh Vietnam Airlines hiện đang âm 6.269 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương gần 7.874 tỷ đồng.
Post a Comment