Thị trường hôm nay đã lập kỷ lục về thanh khoản kể từ cuối tháng 1/2018 với hơn 12 ngàn tỷ đồng riêng giá trị khớp lệnh.
Kỷ lục vô tiền khoáng hậu trên thị trường Việt Nam là phiên ngày 25/1/2018 hai sàn khớp lệnh 13,7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên đó là kết quả của sự dồn nén từ hai ngày sàn HSX bị lỗi kỹ thuật và dừng giao dịch.
Hôm nay thị trường vận hành trơn tru và điều ấn tượng hơn chính là sự liên tục trong mức thanh khoản rất cao. Phiên đầu tuần mức khớp lệnh đã gần 10,2 ngàn tỷ đồng. Tuần trước cũng có 2 phiên giá trị khớp vượt 10 ngàn tỷ đồng, 2 phiên vượt 9 ngàn tỷ đồng. Chưa khi nào thị trường có được mức thanh khoản lớn như vậy duy trì liên tục nhiều ngày.
Mặt khác, các phiên như ngày 25/1/2018, thanh khoản lập kỷ lục còn có dấu ấn rất nặng của nhà đầu tư nước ngoài. Phiên đó khối ngoại giải ngân trên sàn khớp lệnh xấp xỉ 2 ngàn tỷ đồng và tổng giá trị mua khoảng gần 3 ngàn tỷ tính chung cả thỏa thuận hai sàn. Hôm nay khối ngoại giải ngân trên HSX chỉ khoảng 968 tỷ đồng và trên HNX khoảng 22,2 tỷ đồng. Vì vậy nếu tính riêng giao dịch của nhà đầu tư trong nước thì hôm nay cũng chính thức là kỷ lục.
Mức thanh khoản cực lớn hôm nay xuất hiện trong bối cảnh thị trường chao đảo rất mạnh. Càng tiến gần ngưỡng 1.000 điểm áp lực bán càng lớn. VN-Index đạt đỉnh cao nhất 997,99 điểm khoảng 10h50, chỉ tăng 0,38% so với tham chiếu. Từ đỉnh cao này thị trường bất ngờ bị xả rất lớn và VN-Index rơi như một viên sỏi 984,92 điểm lúc 1h7 chiều, giảm 0,93%.
Đà rơi mạnh này đã kích thích lực cầu bắt đáy xuất hiện khi nhà đầu tư cho rằng biến động đó chỉ là rung lắc bình thường. Lực cầu mạnh mẽ đã kéo được khá nhiều cổ phiếu quay đầu phục hồi nhưng không phải tất cả đều hồi tới tham chiếu. Độ rộng của HSX lúc đóng cửa chỉ có 170 mã tăng/262 mã giảm. VN30 cũng chỉ có 9 mã tăng/18 mã giảm.
Tuy nhiên VN-Index lại được kéo đủ mạnh để vòng trở lại lên trên tham chiếu. Chỉ số kết phiên với mức tăng nhẹ 1,57 điểm tương đương 0,16%. Kết quả này tạo cảm giác sau khi rung lắc mạnh thị trường đã phục hồi. Trên thực tế chỉ số hầu như chỉ được các mã trụ giữ.
VHM có một cú giật giá "thần sầu" trong đợt ATC, từ mức 83.000 đồng nhảy lên 83.800 đồng, tương đương tăng thêm gần 1% và đạt mức tăng chung cuộc 3,97% so với tham chiếu. VCB cũng được đẩy lên thêm 300 đồng ở đợt ATC, tăng tổng cộng 0,87%. Riêng hai mã này tăng đã đóng góp 3,9 điểm cho VN-Index.
Chỉ số VN30-Index hạn chế nhiễu từ vốn hóa nên đóng cửa vẫn giảm 0,04%. Số lượng blue-chips giảm giá áp đảo, trong đó GAS giảm 1,2%, BID giảm 0,97%, SAB giảm 0,68%, VNM giảm 0,9%, MSN giảm 1,32%. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng rung lắc mạnh nhưng ít để lại hậu quả như blue-chips: Vẫn có khá nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức giá kịch trần và thanh khoản lớn như ICT, CVT, HAX, BWE. Nhóm tăng trên 3% có thể kể tới TPB, PVD, DPM, BFC, HBC, IJC, BMI... Chỉ số Midcap tăng 0,4%, Smallcap tăng 0,04%.
Thanh khoản ấn tượng nhất hôm nay xuất hiện ở HPG khi mã này lập kỷ lục lịch sử với trên 48,9 triệu cổ phiếu giao dịch, trị giá 1.832,1 tỷ đồng. HPG chiếm khoảng 16,7% giá trị khớp sàn HSX và 15,2% toàn thị trường. Tuy nhiên HPG cũng có thể đại diện cho lực xả khổng lồ phiên này. Từ chỗ tăng vọt 2,67% so với tham chiếu, HPG lao dốc giảm 3,2% để rồi đóng cửa ở tham chiếu. Một kết quả giá như vậy cho thấy HPG vẫn có lực mua rất tốt, nhưng dấu hiệu chốt lời cũng cực lớn vì mức tăng giá đã là 2,8 lần trong hơn 7 tháng gần đây.
Độ rộng thị trường đã nghiêng nhiều hơn về phía giảm mặc dù VN-Index vẫn có một ngày tăng. Điều đó thể hiện quy mô thanh khoản khổng lồ hôm nay đã khiến rất nhiều cổ phiếu suy yếu, còn chỉ số vẫn có thể được nâng đỡ bằng các trụ lớn.
Việc VN-Index tiến gần tới ngưỡng 1.000 điểm thì thị trường xuất hiện thanh khoản rất cao cũng thể hiện khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Việc giải ngân hàng chục ngàn tỷ trong một ngày, ở thời điểm thị trường được xem là đối diện ngưỡng kháng cự mạnh tức là nhà đầu tư mua vào không hề sợ hãi ngưỡng kháng cự đó. Chứng khoán đang là đích đến của các dòng tiền đầu tư muốn kiếm lời nhanh nhất.
Post a Comment