Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt vừa đưa ra nhận định về tăng trưởng tín dụng và khả năng hình thành nợ xấu tăng mạnh ở hệ thống ngân hàng.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 2021 CÓ THỂ ĐẠT 13%
Cụ thể, về mặt chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi khách hàng khoảng 0,1- 0,5 điểm % trong tháng này. Chẳng hạn, VCB và CTG giảm lãi suất tiền gửi khách hàng 0,2 điểm % đối với một số kỳ hạn (kỳ hạn 1-2 tháng, kỳ hạn 3 tháng,...), BID giảm lãi suất tiền gửi khách hàng kỳ hạn 9 tháng 0,3 điểm %, các ngân hàng quy mô trung bình khác (VPB, STB, MSB,...) cũng giảm lãi suất tiền gửi khách hàng kỳ hạn dài 0,1-0,5 điểm %.
Đồng thời, các ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý cuối năm nay. Từ tháng 10/2020, VCB cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi 5,9%/năm đối với các khoản vay phục vụ mục đích kinh doanh. Agribank cũng cắt giảm lãi suất cho vay lần thứ 4 trong năm nay với mức cắt giảm 0,3 điểm %. MBB cũng áp dụng lãi suất cho vay doanh nghiệp từ 6,8%/năm, với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời gian tối đa 180 tháng.
Tính đến ngày 26/10/2020, tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 6,2% so với đầu năm, tăng với tốc độ chậm so với mức tăng 6,1% vào cuối tháng 9 năm 2020. Dự báo tăng trưởng tín dụng vào khoảng 9,0% vào năm 2020, trước khi cải thiện lên mức 12,0% -13,0% vào năm 2021.
KHẢ NĂNG HÌNH THÀNH NỢ XẤU TĂNG MẠNH
Trong khi đó, Nợ xấu (NPL) tăng đáng kể trong 9 tháng 2020 nhưng việc hoãn phân loại nợ có thể giữ nợ xấu theo báo cáo dưới ngưỡng 3,0% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy nợ xấu tăng đáng kể trong quý 3/2020. Vào cuối tháng 9 năm 2020, các ngân hàng này ghi nhận 97.280 tỷ đồng nợ xấu, tăng 30,7% so với cuối năm 2019, và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.
Con số này phù hợp với tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước công bố là dưới mức 2,0%, một phần nhờ các biện pháp tạm thời do ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm nới lỏng các quy định về ghi nhận nợ xấu của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9,0% so với cùng kỳ vào năm 2020, VDSC ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ khoảng 2,4% vào cuối năm 2020.
Ngoài khả năng hình thành nợ xấu tăng mạnh, tác động cuối cùng lên sức khỏe hệ thống ngân hàng còn phụ thuộc vào sự kết hợp của các yếu tố khác bao gồm: 1) mức nợ xấu tiềm ẩn sẽ được ghi nhận; 2) mức tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước có thể chấp nhận được; 3) khả năng Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 01 nhằm kéo dài thời gian gia hạn việc phân loại nợ xấu; và 4) tốc độ phục hồi kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 28/9/2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với hơn 272.115 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.013 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Các nhà phân tích cho rằng không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch, và vượt ngưỡng 3,0% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra vào năm 2021.
Nhìn chung, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng thường chậm hơn so với phục hồi hoạt động kinh tế, theo ước tính khoảng 12,0-13,0% vào năm 2021. Do đó, sau khi cân nhắc các yếu tố trên, VDSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ kéo dài chính sách hỗ trợ (cụ thể là Thông tư 01) gồm các biện pháp gia hạn thời gian trả nợ hoặc hoãn ghi nhận nợ xấu.
Post a Comment