Tại họp báo thông báo về hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cụ thể về việc xác định vai trò, vị thế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong tổng thể phát triển quốc gia, quốc tế và đặc biệt là mối quan hệ với các nước trong ASEAN, vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, có nên xác định vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ trở thành một vùng tương đối độc lập, có hạ tầng kết nối quốc gia, quốc tế riêng để đảm bảo tính tự chủ cao hơn từ sản xuất, chế biến cho đến phân phối, xuất khẩu? Hay là xem vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như một vùng kinh tế mở, liên kết chặt chẽ với vùng Tp. HCM và vùng Đông Nam Bộ để trở thành một khối thống nhất cho toàn bộ khu vực phía Nam.

Cùng với đó là xem xét việc giảm đất trồng lúa tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất này cơ bản nhận được sự đồng thuận của Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, chỉ tập trung trồng lúa ở những khu vực thuận lợi nhất, không tăng sản lượng bằng mọi giá. 

Tuy nhiên, cần làm rõ là nên giữ khoảng bao nhiêu hecta lúa và sản lượng lúa (khoảng bao nhiêu triệu tấn); cũng như việc có bỏ hoàn toàn lúa vụ 3 trên toàn vùng không.

Một số địa phương còn chưa hoàn toàn thống nhất với định hướng chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở một số khu vực đang trồng lúa sang các mô hình sinh kế khác phù hợp hơn với điệu kiện hạn mặn gia tăng do thói quen, tập quán về trồng lúa của người dân đã tồn tại ổn định trong thời gian dài.

Đối với phát triển thuỷ sản, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh, thuỷ sản gần đây được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng rủi ro rất lớn do ô nhiễm và đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nếu muốn đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp hạ tầng nước phục vụ thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô. 

“Thay cho việc đề cao thủy sản, định hướng phát vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ tới chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa, màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có là tiềm năng lớn do đa dạng về sản phẩm, công nghệ, nuôi trồng, chế biến và ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn, đặc biệt là tài nguyên đất và nước. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều địa phương trong vùng đang muốn phát triển thủy sản. Do đó, đây cũng là một nội dung được thảo luận làm rõ thêm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Sẽ xây dựng Đồng bằng Sông Cửu Long độc lập, có hạ tầng kết nối quốc tế riêng? - Ảnh 1.

Họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 23/11.

Liên quan đến diện tích lúa, tại nhiều hội thảo được tổ chức trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc giảm diện tích trồng lúa cần phải làm rõ là giảm bao nhiêu diện tích, thay thế cây lúa bằng cây gì?

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, cho rằng 40 năm qua việc làm lúa là cho có lúa để ăn thôi, chứ chưa làm cho dân giàu. Chủ trương này là đúng, tuy nhiên lại kéo dài nên đến nay lúa vẫn nhiều, giá rất rẻ và sản xuất thì rất tốn kém.

Theo ông Xuân, vì quan điểm trồng lúa như nêu trên nên một thời gian dài hạ tầng được Nhà nước đầu tư là đầu tư cho cây lúa, còn muốn trồng thứ khác hay nuôi tôm thì dân tự phát làm, Nhà nước không chú trọng đầu tư.

"Thay thế cây lúa bằng gì? Cây mía bằng cây gì? Vùng đất lúa không có năng suất cao thì thay bằng gì? Những cái này cần phải tính toán trong một quy hoạch tạm" - ông Xuân gợi ý.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giới thiệu về nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050. 

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo để Thủ tướng Chính phủ  xem xét, tổ chức thẩm định và phê duyệt trong tháng 12/2020.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top