Tại phiên thảo luận sáng 3/11 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu đánh giá về công tác trồng và bảo vệ rừng, trong đó rừng tự nhiên đang bị xâm hại nghiêm trọng.

"Nguyên nhân xảy ra thiên tai vừa qua là do điều kiện khí hậu, hậu quả về hình thái phức tạp, nắng hạn quá lâu ngày, nhưng chắc chắn có thể nhận thấy rằng chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên", Đại biểu Hoàng Đức Thắng của tỉnh Quảng Trị nhận xét.

Theo đại biểu Thắng, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng trong 20 năm qua với quy mô khác nhau, cùng với đó là mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng đã làm biến mất hàng hàng chục nghìn hecta rừng đầu nguồn. Chỉ tiêu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng không nói được nhiều về khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi.

Ông Thắng cho rằng các vùng xảy ra lũ dữ, sạt lở đất chủ yếu là những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỷ lệ rừng giàu tự nhiên thấp. 

"Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tác nhân gây ra lũ rừng lớn hơn và tàn phá nặng nề hơn", Đại biểu tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Để xử lý vấn đề này, Đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo tiếp tục tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng rừng hiện nay, đặc biệt về chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ, tình hình thực tế về việc phát triển các thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có các giải pháp căn cơ và lâu dài về môi trường, về khả năng chống chịu mưa bão lũ lụt như vừa qua. 

Đồng thời, ông đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, đặc biệt là kiên quyết "dừng, loại bỏ các dự án công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên tác động đến chế độ dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống tự nhiên".

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải của tỉnh Tiền Giang nhận định tình hình mưa lũ miền Trung vừa qua cho thấy Chính phủ và các ngành chức năng cần đánh giá lại các dự án đầu tư thủy điện nhỏ. Bởi trên thực tế, các thủy điện nhỏ vẫn gây ra những tác động xấu và cũng cho thấy công tác đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện còn nhiều vấn đề.

Cùng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình của Quảng Nam cho rằng sau các sự cố thiên tai thời gian qua, nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, để họ không phải trồng lúa rẫy, giữ rẫy làm rừng. Đại biểu đề nghị có cơ chế khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân. 

Đại điểu Quảng Trị: "Thủy điện không gây ra lũ nhưng làm mất rừng" - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Cổng TT Quốc hội.

"Với các dự án hồ thủy điện, thủy lợi phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, tôi đề nghị phải xem lại việc trồng rừng thay thế, đảm bảo nguyên tắc vị trí trồng, nguyên tắc phòng hộ và loại cây trồng. Chứ không thể thu hồi diện tích rừng có chức năng phòng hộ ở vùng này nhưng trồng bù nơi khác không còn chức năng phòng hộ nữa", đại biểu tỉnh Quảng Nam đề xuất. 

Chung quan điểm với các đại biểu trên, đại biểu Triệu Thị Thu Phương của tỉnh Bắc Kạn nhận định thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hiệu quả trong bảo vệ, phát triển rừng, nhưng trong quá trình thực hiện, việc phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển lâm nghiệp chưa hiệu quả. 

"Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 5 năm qua, diện tích rừng bị mất do chặt phá là 11%, trong khi 89% rừng bị mất là do chuyển mục đích sử dụng", đại biểu Phương nhấn mạnh.

Phản hồi ý kiến của các đại biểu về vấn đề bảo vệ rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định cả hệ thống chính trị và nhân dân đã có những cố gắng vượt bậc trong bảo vệ rừng.

Đại điểu Quảng Trị: "Thủy điện không gây ra lũ nhưng làm mất rừng" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Cổng TT Quốc hội.

"Cả nước hiện nay có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha. Đây là cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, vì năm 1990 chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%, 30 năm qua GDP còn thấp như vậy, mà hệ số che phủ đã đạt gần 42%, thế giới bình quân 29%, đây là sự cố gắng vượt bậc", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cho biết hiện tại cả nước có khoảng 4.600 doanh nghiệp chế biến gỗ và có thể đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản 13 tỷ USD trong năm nay. Bộ trưởng cũng khẳng định luôn có chính sách để giữ rừng, tuy nhiên, rừng tự nhiên không thể phát triển như ngày xưa và phải phục hồi từng bước.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top