Trung Quốc và Nga hiện vẫn chưa chúc mừng ông Joe Biden dù nhiều hãng tin lớn đã dự báo "chắc như đinh đóng cột" rằng ứng cử viên của Đảng Dân chủ đã thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Khi được hỏi về vấn đề này, phía Bắc Kinh nói sẽ thực hiện đúng thông lệ, còn điện Kremlin thì nhắc đến việc Tổng thống Donald Trump đang thách thức kết quả bầu cử.
Theo dự báo của truyền thông Mỹ vào hôm thứ Bảy tuần trước, ông Biden đã giành đủ số phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống. Hiện ông Biden cũng đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch để nhậm chức vào ngày 20/1. Trong khi đó, ông Trump chưa hề lên tiếng thừa nhận thất bại và đang nỗ lực xây dựng lực lượng nhằm lật ngược chiến thắng của đối thủ.
Theo hãng tin Reuters, nhiều nước đồng minh lớn nhất và thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu, Trung Đông và châu Á đã nhanh chóng lên tiếng chúc mừng ông Biden vào cuối tuần vừa rồi, dù ông Trump từ chối nhận thua. Thậm chí, một số nước thân ông Trump như Israel và Saudi Arabia cũng đã chúc mừng ông Biden.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày thứ Hai kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ "sát cánh bên nhau", đồng thời ca ngợi ông Biden là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, một người hiểu rõ về Đức và châu Âu Bà Merkel cũng nhấn mạnh những giá trị và lợi ích mà các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng chia sẻ.
Trung Quốc và Nga thể hiện một thái độ thận trọng hơn.
"Chúng tôi được biết ngài Biden đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày. "Chúng tôi hiểu rằng kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ được quyết định theo luật pháp và trình tự thủ tục của Mỹ".
Theo Reuters, vào năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời chúc mừng tới ông Trump vào ngày 9/11, một ngày sau bầu cử ở Mỹ.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề từ thương mại tới công nghệ, từ Hồng Kông tới đại dịch Covid-19. Trong 4 năm cầm quyền, ông Trump đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc.
Ông Biden được cho là sẽ tiếp nối lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Trong quá trình tranh cử, ông đã thề sẽ dẫn đầu một chiến dịch nhằm "gây sức ép, cô lập và trừng phạt Trung Quốc". Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nhiều khả năng ông Biden sẽ có phương pháp chừng mực và hơn và đa phương trong vấn đề Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 9/11 thể hiện lạc quan về tin ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Một số bài xã luận nói rằng quan hệ Trung-Mỹ có thể phục hồi trở lại trạng thái dễ đoán biết hơn, và điều này có thể bắt đầu từ lĩnh vực thương mại.
Về phần mình, Moscow cho biết muốn đợi cho tới khi có kết quả chính thức mới bình luận về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Điện Kremlin cũng nhắc đến tuyên bố của ông Trump về thách thức kết quả bầu cử.
Cho đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn hoàn toàn im lặng trước tin ông Biden thắng cử. Trước khi bầu cử diễn ra ở Mỹ, ông Putin thể hiện quan điểm khá "nước đôi: một mặt, ông không hài lòng với những tuyên bố bài xích Nga của ông Biden, nhưng mặt khác, ông hoan nghênh những phát biểu của ông Biden vè vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông Putin cũng bảo vệ con trai của ông Biden là ông Hunder trước sự chỉ trích của ông Trump.
"Chúng tôi cho rằng sẽ là đúng đắn nếu đợi cho tới khi có kết quả kiểm phiếu chính thức", người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói.
Khi được hỏi tại sao vào năm 2016 ông Putin chúc mừng ông Trump ngay sau khi ông Trump được dự báo giành đủ phiếu đại cử tri để trúng cử, ông Peskov nói có sự khác biệt rõ ràng ở đây.
"Các bạn có thể thấy rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã công bố một số biện pháp pháp lý nhất định. Đó là lý do vì sao tình hình hiện nay là khác, và vì thế chúng tôi cho rằng sẽ là đúng đắn nếu đợi cho tới khi có tuyên bố chính thức", ông Peskov nói.
Người phát ngôn điện Kremlin nhấn mạnh, ông Putin luôn khẳng định sẵn sàng làm việc với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ, và rằng Nga hy vọng có thể thiết lập đối thoại với chính quyền Mỹ và tìm ra con đường tiến tới bình thường hóa mối quan hệ song phương đang ở mức thấp.
Quan hệ Nga-Mỹ sụt xuống mức thấp kể từ sau chiến tranh lạnh vào năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine. Ở thời điểm đó, ông Biden đang giữ cương vị Phó tổng thống Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi vì những cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 nhằm làm lợi cho ông Trump. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này của Mỹ.
Post a Comment