Sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 10/2020 đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ động thái giảm giá, khuyến mại đồng loạt đến từ các hãng xe và hệ thống đại lý.

BỨT TỐC BẤT CHẤP COVID-19

Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng xe ô tô bán ra thị trường tháng vừa qua đạt 33.254 chiếc, tăng đến 22% so với tháng 9/2020 và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tỷ lệ tăng trưởng rất đáng khích lệ của thị trường ô tô trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang gây áp lực lên đời sống kinh tế nói chung và các nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng.

Trong tháng 10/2020, lượng xe ô tô du lịch bán ra thị trường đạt 25.339 chiếc, tăng 23% so với tháng liền trước. Nhóm xe thương mại đạt 7.528 chiếc, tăng 17%. Nhóm xe chuyên dụng đạt 387 chiếc, tăng 71% so với tháng 9.

Xét về nguồn gốc, xuất xứ, các loại xe ô tô nhập khẩu có tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn khi đạt 12.756 chiếc, tăng 35% so với tháng trước. Trong khi đó, các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng 15%, đạt 20.498 chiếc.

Cũng theo báo cáo của VAMA, cộng dồn 10 tháng năm 2020, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường đạt 212.409 chiếc, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, nhóm xe du lịch đạt 155.663 chiếc, giảm 18%; nhóm xe thương mại đạt 53.711 chiếc, giảm 17%; nhóm xe chuyên dụng đạt 9.095 chiếc, giảm 32%.

Có thể thấy rằng, kể từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô đã phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covod-19. Ngoài những khó khăn nói chung của nền kinh tế thì bản thân các hãng xe ô tô cũng vướng nhiều trở ngại. Đơn cử là việc nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam giai đoạn tháng 4/2020, thực hiện giãn cách xã hội đã khiến cho hoạt động giao thương bị ngưng trệ.

Thậm chí đến thời điểm này, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị dịch Covid-19 hoành hành và tiếp tục phải giãn cách xã hội. Do đó, nguồn cung xe nhập khẩu nguyên chiếc và hoạt động nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Do đó, có thể coi cú bứt tốc về sức mua tháng vừa qua như một bước chạy đà mạnh mẽ nhằm giúp thị trường ô tô vượt qua những khó khăn bởi dịch Covid-19.

CÚ HÍCH GIẢM GIÁ, KHUYẾN MẠI

Trên thực tế, những khó khăn của nền kinh tế vẫn đang hiện hữu. Tuy nhiên, các hãng xe và đặc biệt là hệ thống đại lý phân phối ô tô đã rất mạnh tay mở ra một cuộc chạy đua giảm giá, khuyến mại tổng lực.

Ngay từ cuối quý 2/2020, các hãng xe đã đồng loạt tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mại có giá trị đến cả trăm triệu đồng dành cho người tiêu dùng.

Có thể kể đến như Mitsubishi giảm giá trên dưới 50 triệu đồng cho mẫu xe Outlander, Ford giảm giá cho mẫu xe Everest Titanium từ 175-200 triệu đồng, Honda giảm giá mẫu xe CR-V 40 triệu đồng. Một số nhà nhập khẩu như Volkswagen, Subaru cũng liên tiếp áp dụng các mức giảm giá trên dưới 100 triệu đồng, cá biệt có thời điểm lên đến 200-300 triệu đồng…

Mạnh tay nhất có lẽ là hãng xe nội địa VinFast. Nhờ hệ sinh thái trong tập đoàn VinGroup nên hãng xe này đã có cơ hội áp dụng chiêu thức kích cầu thông qua các chương trình quà tặng, quy đổi voucher, hỗ trợ lệ phí trước bạ, hỗ trợ lãi suất vay mua trả góp. Qua đó, nếu cộng dồn tất cả các nội dung khuyến mại, khách hàng mua mẫu xe đắt nhất là Lux SA2.0 có thể được giảm giá đến trên dưới 500 triệu đồng.

Cũng chính bởi vậy mà liên tiếp tháng 9 và tháng 10, lượng xe VinFast bán ra thị trưởng đạt mức cao ngất ngưởng trên dưới 3.000 chiếc. Đáng chú ý là mẫu xe Fadil đã 2 tháng liền lọt vào danh sách 10 mẫu xe ô tô đắt khách nhất thị trường.

Một số hãng xe có thị phần lớn như Toyota hay Hyundai dù không chính thức tiến hành giảm giá niêm yết song trên thực tế, các đại lý cũng đồng loạt giảm giá bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng với dải rất rộng từ 5-70 triệu đồng.

Bên cạnh sức ép từ dịch Covid-19 thì còn một nguyên nhân nữa đẩy các hãng xe vào cuộc đua giảm giá, khuyến mại là chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Bắt đầu từ Nghị định 70, các hãng xe thậm chí đã khuyến mại nốt 50% lệ phí trước bạ còn lại đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng ô tô.

Việc các loại xe lắp ráp trong nước được hỗ trợ bởi Nghị định 70 đã gây sức ép khiến các hãng xe nhập khẩu buộc phải lao vào cuộc đua giảm giá, khuyến mại với giá trị tương đương nhằm tăng sức cạnh tranh.

Ngoài Volkswagen và Subaru liên tiếp áp dụng các chương trình khuyến mại thì một số loại xe hạng sang như BMW, Audi, Infinity… cũng được giảm giá thấp nhất 100 triệu đồng, cá biệt là dòng xe BMW X Series được giảm giá đến hơn 800 triệu đồng.

Giới kinh doanh ô tô nhận định, các chương trình giảm giá, khuyến mại trên thị trường ô tô sẽ còn kéo dài ít nhất là hết năm 2020, thời điểm chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước của Chính phủ hết hiệu lực.

Nhờ cú hích giảm giá, khuyến mại tổng lực trên thị trường, sức mua ô tô được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng đến hết tháng 12/2020 và sang tháng đầu năm 2021, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top