Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán CTG) vừa công bố Nghị quyết số 412 của Hội đồng quản trị về việc phê duyệt tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Cụ thể, tại tờ trình Đại hội đồng cổ đông, VietinBank dự kiến phát hành tối đa 1,07 tỷ cổ phiếu, tương ứng 28,7899% tổng số cổ phần đang lưu hành. Thời hạn cuối cùng nhận phiếu lấy ý kiến cổ đông vào 17h ngày 23/11, cũng là ngày Nghị quyết tăng vốn có hiệu lực nếu được chấp thuận.

Nguồn vốn thực hiện gần 10.720 tỷ đồng, được lấy từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ của năm 2017-2018 cộng với lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.

Hội đồng quản trị đề nghị cổ đông uỷ quyền cho ban lãnh đạo quyết định thời điểm phát hành sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án. Nếu thành công, vốn điều lệ VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 47.953 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại là 29,5 triệu đồng.

Căn cứ vào kế hoạch tăng vốn và kế hoạch kinh doanh năm 2020, VietinBank dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 1% - 3%; dư nợ tín dụng tăng 4% - 8,5%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.400 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. 

Sau đợt phát hành, cổ đông nhà nước đại diện bởi ba thành viên Hội đồng quản trị sẽ nắm hơn 3,09 tỷ cổ phiếu, tương ứng 64,46% vốn. Cổ đông chiến lược MUFG Bank Ltd cũng tăng số lượng cổ phiếu lên 946 triệu đơn vị, tương ứng 19,37% vốn.

VietinBank dự kiến phát hành 1,07 tỷ cổ phiếu và chi 1.861 tỷ đồng để trả cổ tức - Ảnh 1.

Thông tin nguồn vốn thực hiện tăng vốn điều lệ của VietinBank.

Đáng chú ý, trước khi ra Nghị quyết 412 trên, vào ngày 16/10/2020, VietinBank đã ra Nghị quyết số 385 của Hội đồng quản trị về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ ghi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018, 2019.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản rằng, VietinBank đã phát sinh thêm việc chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt.

Quay lại với tài liệu VietinBank vừa công bố, trong bảng thông tin nguồn vốn thực hiện tăng vốn điều lệ, ngân hàng này cũng có ý định dùng 1.861 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 5% vốn điều lệ hiện tại.

Theo nguồn tin của VnEconomy, liên quan đến việc các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chia cổ tức năm 2019 bao gồm cả VietinBank, Bộ Tài chính đã có ý kiến trước đó. 

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết dự toán ngân sách nhà nước từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước năm 2020 tối thiểu là 73.400 tỷ đồng, trong đó có phần chia cổ tức của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Trong giai đoạn hiện nay, ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, để hài hoà giữa mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc tăng vốn nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel 2 và tập trung nguồn lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như góp phần thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt của VietinBank tỷ lệ 5% vốn điều lệ; BIDV và Vietcombank cùng tỷ lệ 8% vốn điều lệ.

“Các ngân hàng phải thực hiện chia cổ tức và nộp toàn bộ số cổ tức được chia bằng tiền mặt của phần vốn nhà nước tại ngân hàng vào ngân sách nhà nước trong năm 2020 theo quy định của pháp luật. Phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ sau khi có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính cho biết.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top