Thị trường điều chỉnh rất mạnh khiến VN-Index giảm 3,7%, nhưng đã xuất hiện cầu bắt đáy trong phiên cuối tuần.
Các chuyên gia đều đánh giá thị trường điều chỉnh do áp lực chốt lời khi đà tăng đã kéo dài, đồng thời xuất hiện thêm các yếu tố rủi ro mới. Những thông tin ảnh hưởng đến thị trường hầu hết là thống nhất, trong đó nổi bật là diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tuần tới.
Đánh giá về mức độ rủi ro điều chỉnh, các chuyên gia đưa ra nhiều ngưỡng khác nhau, trong đó kịch bản tác động bất lợi chung từ bên ngoài có thể đưa VN-Index xuống vùng 900 điểm. Thậm chí kịch bản tiêu cực có thể mức điều chỉnh tới 850-870 điểm và kéo dài tới tháng 12.
Nhịp điều chỉnh này được đánh giá là tích cực đối với thị trường, tạo cơ hội mua cho tầm nhìn dài hơn. Tuy nhiên quan điểm bắt đáy hay lựa chọn thời điểm lại khác nhau. Có ý kiến cho rằng có thể mua tích lũy dần cổ phiếu cơ bản tốt trong các ngành nghề có lợi thế và chỉ nên giải ngân 50% - 70% danh mục. Ngược lại, ý kiến thận trọng cho rằng vẫn nên chờ tình hình dịu đi và quan sát phản ứng của thị trường trước kết quả bầu cử rồi mới hành động.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường kết thúc tháng 10 bằng tuần giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng, đặc biệt là phiên lao dốc đột ngột mạnh ngày 28/10. Anh chị có bất ngờ trước mức độ giảm đó? Đây là áp lực bán chốt lời đơn thuần hay có yếu tố rủi ro gì khác?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Theo tôi nhịp điều chỉnh tuần qua của thị trường có hệ quả từ tổng hòa nhiều yếu tố. Đối với các yếu tố trong nước, nhịp tăng giá kéo dài của thị trường chung trước đó kéo dài từ cuối tháng 7, kết hợp với việc margin thị trường đang ở mức cao khiến nhu cầu chốt lời gia tăng và dòng tiền phản ứng nhạy với các thông tin tiêu cực.
Trong khi đó, thị trường tài chính toàn cầu đang bị ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố rủi ro liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, dịch Covid-19 tái bùng phát tại Mỹ và Châu Âu, kéo theo diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu và giá dầu lao dốc.
Dù có quan điểm thận trọng ngay trước nhịp điều chỉnh này, cá nhân tôi đã không lường trước được tác động mạnh mẽ của thị trường toàn cầu khiến thị trường trong nước giảm mạnh như nhịp vừa qua trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô trong nước, số liệu kinh doanh các doanh nghiệp quý 3 vẫn mang lại bức tranh tương đối lạc quan.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Mức giảm trong tuần cuối tháng 10 (-3,72%) chỉ sau tuần kết thúc ngày 24/7 thời điểm dịch covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng (-4,92%). Thị trường giảm điểm do sự tác động cộng hưởng từ áp lực chốt lời sau chuỗi tăng gần 3 tháng, thêm vào đó thị trường thường có dấu hiệu chuyển sang trạng thái "giảm rủi ro" khi thời gian đếm ngược đến ngày bầu cử Tổng Thống Mỹ đã gần kề.
Tôi cho rằng lý do giảm và mức giảm cũng không gây bất ngờ cho nhà đầu tư, chung quy lại cũng không có thông tin tác động gì mới, ngoài các dấu hiệu đã có trước đó như: chuỗi tăng dài ngày kèm theo thanh khoản được giữ ở mức cao kỷ lục, độ rộng thị trường kém mặc dù chỉ số vẫn tăng, thị trường đi lên bằng trụ và khi các điểm nóng này bị đốn hạ sẽ kích hoạt áp lực chốt lời trên diện rộng,…v.v.. tác động từ thị trường quốc tế khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã cận kề cũng làm cho tâm lý nhà đầu tư thận trọng và bảo vệ thành quả là điều hợp lý.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Với tôi thị trường giai đoạn vừa rồi giảm nhưng không hề bất ngờ do: (i) Thông tin ngày 3/11 bầu cử Mỹ nên áp lực bán chốt lời cũng như giảm margin tuần cuối tháng 10; (ii) Hầu hết báo cáo kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đều ra rồi thị trường dần tiến vào vùng trũng thông tin tốt; (iii) Thị trường tăng dài quanh 3 tháng cũng như nhiều tín hiệu chỉ báo kỹ thuật về thị trường cũng như cổ phiếu cảnh báo thị trường và cổ phiếu vào vùng quá mua; (iv) Đây là áp lực chốt lời trước những rủi ro không đoán trước được của cuộc bầu cử Mỹ.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Kịch bản thị trường điều chỉnh mạnh trong tuần cuối tháng 10 không quá bất ngờ đối với tôi do nhìn chung thị trường đã tăng điểm khá tốt từ 880 điểm lên gần 970 điểm, tương đương với mức tăng 9.28% trong hai tháng 9 và 10.
Tuy nhiên, mức tăng này phần lớn toàn là do các cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm ngân hàng kéo thị trường chứ những nhóm cổ phiếu khác thì hầu như không tăng mấy dù cho có kết quả kinh doanh quý 3 tốt.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại liên tục bán ròng mạnh trong thời gian gần đây cũng là một điểm cần lưu ý, có thể do lo ngại về diễn biến còn chưa rõ ràng của bầu cử tổng thống Mỹ và khả năng bùng phát trở lại của dịch bệnh lần nữa.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Đà tăng càng mạnh, càng dài thì nguy cơ điều chỉnh cũng mạnh tương ứng. Thị trường quốc tế tuần tới chịu ảnh hưởng về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo anh chị thị trường Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không? Về mặt kỹ thuật thị trường có thể điều chỉnh ở mức độ nào cũng như bao lâu trong tháng 11?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường Việt Nam và nhiều thị trường trên thế giới ngay cả thị trường Mỹ cũng đã chịu ảnh hưởng về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Tôi cho rằng thị trường Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trong tuần tới.
Hiện tại VN-Index đang có vùng hỗ trợ quanh 900-910 điểm nhưng nếu tình hình thị trường xấu, mức điều chỉnh có thể về vùng 850-870 cũng như thị trường điều chỉnh đến tháng 12.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi cho rằng thị trường có thể tiêu cực trong ngắn hạn theo ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán thế giới nếu ông Trump không tiếp tục trở thành tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, xét về mặt kỹ thuật đơn thuần thì hai phiên giao dịch cuối tháng 10 đã cho tín hiệu áp lực điều chỉnh suy yếu và lực mua vào được cải thiện. Nói cách khác, thị trường Việt Nam đã có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn.
Nếu thị trường còn tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh thì tôi đánh giá ngưỡng 918 điểm là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật khá tốt và ngưỡng 900 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ tâm lý cho thị trường.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tính liên thông của thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu ngày càng chặt chẽ trong nhiều năm trở lại đây. Trong kịch bản xấu, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ gây nhiều tranh cãi và tác động tiêu cực đến chứng khoán Mỹ và thị trường thế giới, thị trường Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.
Trong ngắn hạn, yếu tố này cùng với diễn biến dịch Covid-19 ở Mỹ và Châu Âu là 2 rủi ro hàng đầu nhà đầu tư cần quan tâm. Thêm vào đó, rủi ro dịch Covid-19 trong nước quay trở lại cũng là yếu tố chưa thể bỏ qua trong tháng 11 trong bối cảnh Việt Nam đang dần mở lại các đường bay quốc tế để đưa các chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam.
Diễn biến thị trường thời điểm hiện tại phụ thuộc vào nhiều yếu tố có tầm ảnh hưởng mạnh, biến động nhanh và khó lường, vì vậy việc đưa ra dự báo 1 mốc điểm cụ thể là không khả thi mà cần có những kịch bản khác nhau tương ứng với biến động của mỗi yếu tố rủi ro. Trong kịch bản tiêu cực, chỉ số VNIndex hoàn toàn có khả năng kéo dài xu hướng giảm điểm xuống dưới vùng 900 ngay trong tháng 11 nếu các yếu tố rủi ro đồng loạt gia tăng. Dù vậy, tôi không đánh giá cao kịch bản này khi mà các yếu tố vĩ mô và vi mô trong nước vẫn đang diễn biến khả quan.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tâm điểm của thị trường trong tuần tới chắc chắn là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày thứ 3. Kịch bản của thị trường chứng khoán thế giới cũng sẽ được định hình lại tùy thuộc vào ai là người thắng cử. Cuộc bầu cử năm nay được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn bình thường do có thể có sự chậm trễ liên quan đến Covid-19 trong quá trình kiểm phiếu. Trước đó, vào năm 2000 khi trận chiến giữa Al Gore và George W. Bush mất hơn 4 tuần để quyết định sau ngày bỏ phiếu, chỉ số S&P 500 đã giảm 5% giữa ngày bầu cử và kết quả cuối cùng. Do vậy, thị trường trong nước sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng từ sự kiện này.
Về mặt kỹ thuật, thị trường đã tăng trưởng gần 3 tháng qua mà chưa có nhịp điều chỉnh nào rõ nét. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đang trong nhịp điều chỉnh lần thứ 2. Do vậy, xu hướng điều chỉnh của thị trường trong nước đang được hình thành, mức độ điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào tình hình bên ngoài thế nào. Với mạch tăng dài ngày như trong giai đoạn vừa qua, nguy cơ điều chỉnh có thể từ 4 đến 6 tuần, thị trường có thể kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ở khu vực 880 – 900 điểm.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Kết quả kinh doanh quý 3 đã công bố xong về cơ bản, anh chị đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào? Nếu lựa chọn cổ phiếu để mua trở lại trong nhịp giảm này, anh chị sẽ lựa chọn như thế nào?
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi đánh giá mặt bằng kết quả kinh doanh nhìn chung là tương đối tích cực khi hầu hết đều ghi nhận tín hiệu hồi phục so với 6 tháng đầu năm, ngoại trừ những doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như hàng không, du lịch, v.v…
Nếu lựa chọn đầu tư cổ phiếu trong nhịp giảm này, tôi sẽ ưu tiên nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh Quý 3 tốt, ổn định và được kỳ vọng sẽ tiếp tục thể hiện tốt trong quý 4 như dệt may (TCM), xuất nhập khẩu (GIL), nguyên vật liệu (HPG, HSG), xây dựng hoặc đầu tư công.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Về cơ bản, doanh nghiệp càng to, tức vốn hóa càng lớn thì càng hiệu quả, ngoại trừ các doanh nghiệp ngành hàng không và năng lượng đi theo xu hướng chung của thế giới. Đây là những doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế vượt trội hoặc độc quyền, ít chịu ảnh hưởng từ đại dịch covid-19 so với các doanh nghiệp nhỏ. Đặc biệt là nhóm ngân hàng, Vingroup, MSN, VNM,….
Về cơ hội đầu tư, theo tôi trong bối cảnh thị trường biến động nên tập trung ở các nhóm cổ phiếu ít chịu rủi ro như: Thực phẩm, tiện ích, tiêu dùng thiết yếu, …trong khi các nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng từ địa chính trị có xu hướng xấu đi khi rủi ro tăng lên như: dịch vụ tài chính, công nghiệp, vật liệu xây dựng,…
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Số liệu thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp niêm yết đã công bố lợi nhuận quý 3 trên 2 sàn (451 doanh nghiệp) cho thấy 1 bức tranh tương đối khả quan với tăng trưởng lợi nhuận lên tới 10.5%. Trong đó, 56% số doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ. Đây là những con số khá ấn tượng khi mà lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 giảm hơn 20% so với cùng kỳ do tác động từ yêu cầu cách ly xã hội của Chính phủ vào tháng 4.
Điều này cho thấy sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3, tương đồng với các số liệu vĩ mô khả quan, bất chấp tác động tiêu cực từ đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần 2 tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7. Đây là cơ sở quan trọng khiến tôi kỳ vọng nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường, trong kịch bản các rủi ro ngoại biên không chuyển biến xấu, sẽ sớm kết thúc.
Với tầm nhìn dài hạn, nhà đầu tư có thể hướng tới những cổ phiếu đang hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô hiện tại như nhóm ngân hàng (hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế trong nước), nhóm hạ tầng và nguyên vật liệu (hưởng lợi từ định hướng đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ), hay nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng (hưởng lợi từ đà hồi phục của tiêu dùng trong nước). Trong đó, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 3 tăng trưởng ấn tượng, cho thấy đã hoàn toàn khôi phục hoạt động kinh doanh hậu Covid-19 là lựa chọn phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi thấy kết quả kinh doanh quý 3 có tốt xấu đan xen, dấu hiệu tích cực là vẫn nhiều doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng tốt. Nếu lựa chọn cổ phiếu trong nhịp rơi này có thể chọn: Cổ phiếu tài chính, các doanh nghiệp đầu ngành HPG, VNM,…
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần trước anh chị khuyến cáo nhà đầu tư nên chốt lời và thị trường đã đi đúng hướng khi cổ phiếu giảm giá khá mạnh. Đã đến lúc mua lại hay chưa, tỷ trọng nên là bao nhiêu?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư giai đoạn này sẽ trở nên thận trọng, muốn bảo vệ thành quả hơn là chấp nhận rủi ro. Theo tôi không nhất thiết phải nhảy ngay vào thị trường và chờ đợi mọi thứ ổn một chút, do vậy chiến lược đứng ngoài quan sát hoặc không làm gì cũng là lựa chọn nên được cân nhắc.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Sau khi bán chốt lời tuần trước, nhà đầu tư có thể bắt đầu mua lại cổ phiếu trong tuần tới và nâng tỷ trọng lên mức 60-70%.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi thị trường giai đoạn hiện tại chưa nên mua lại, ít nhất là nên đợi sau bầu cử Mỹ xem thị trường phản ánh với thông tin đó như thế nào hẵng giải ngân vẫn chưa muộn.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Với nhận định thị trường có thể đã tạo đáy ngắn hạn, chúng tôi cho rằng đã có thể bắt đầu tham gia giải ngân trở lại ở mức vừa phải, không nên vượt quá 50% danh mục đầu tư.
Post a Comment