Nói tới Đại suy thoái (Great Depression) vào thập niên 1930 là nói đến một trong những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử thế giới, khi tình trạng suy sụp của kinh tế toàn cầu kéo theo cả những hệ lụy lớn về xã hội và chính trị. Năm 2020, nền kinh tế thế giới trải qua những gì tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, và nguyên nhân là virus corona chủng mới.

SUY THOÁI, THẤT NGHIỆP, NGHÈO ĐÓI 

Không chỉ gây thiệt hại lớn về người - với hơn 81 triệu ca nhiễm và gần 1,8 triệu ca tử vong  - theo số liệu mới nhất của hãng tin Reuters, đại dịch còn gây gián đoạn các chuỗi cung ứng, những vụ sa thải hàng loạt, vô số vụ phá sản và giải thể cơ sở kinh doanh, làm tê liệt nhiều ngành như hàng không và du lịch... Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu giảm 4,4% trong năm nay, nhưng con số này có thể vẫn lạc quan.

Một nghiên cứu của nền tảng trực tuyến IG cho rằng, GDP thế giới 2020 sẽ giảm 5,2%, còn 83,19 nghìn tỷ USD, từ mức 89,94 nghìn tỷ USD của năm 2019. Phần sản lượng mất mát là 6,7 nghìn tỷ USD, tương đương với GDP của Đức và Pháp gộp lại, đồng thời lớn gấp 3 lần thiệt hại mà khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 gây ra cho thế giới.

Cũng theo ước tính của IG, 92% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới rơi vào suy thoái kinh tế trong năm nay, một tỷ lệ cao chưa từng thấy kể từ đại dịch đậu mùa vào thập niên 1870. Suy thoái diễn ra nghiêm trọng hơn cả ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó kinh tế Mỹ và Nhật Bản giảm khoảng 10%, kinh tế Pháp và Italy giảm hơn 15% mỗi nước. Thậm chí, trong nửa đầu năm, tốc độ sụt giảm kinh tế hơn 20% đã được ghi nhận ở Anh  và Tây Ban Nha. Đối với các nền kinh tế mới nổi, tốc độ suy giảm bình quân là 2,5%. Trung Quốc được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng trong năm nay, với mức tăng có thể đạt khoảng 1,9%.

Suy thoái và thất nghiệp là hai câu chuyện luôn song hành, và người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trong năm nay sẽ có thêm từ 88-115 triệu người tại các quốc gia đang phát triển rơi vào cảnh nghèo cùng cực - được định nghĩa là có  mức sống tương đương dưới 1,9 USD/ngày. Công cuộc thoát nghèo trong những thập niên gần đây bị đảo ngược, với tỷ lệ dân số cực nghèo của thế giới tăng từ 8,5% lên 9,5%.

LÝ DO ĐỂ LẠC QUAN?

Các chính phủ và ngân hàng trung ương đã không đứng ngoài cuộc, mà gấp rút triển khai những biện pháp chưa từng có tiền lệ để vực dậy nền kinh tế và hạn chế mất mát công ăn việc làm. IMF ước tính tổng số tiền mà các chính phủ chi ra để kích cầu trong năm nay lên tới khoảng 12 nghìn tỷ USD, tương đương 15% thu nhập toàn cầu trong 2019. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), và các ngân hàng trung ương khác còn bơm thêm hàng nghìn tỷ USD, Euro, Bảng, và các loại tiền khác vào thị trường tài chính, đặc biệt khi thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn hồi tháng 3. Nếu không có những hỗ trợ này, thì nền kinh tế toàn cầu có lẽ đến hiện tại vẫn còn đang trong tình trạng "tuột dốc không phanh".

Một câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là liệu kinh tế thế giới có phục hồi trong năm 2021?

Tờ báo Anh Independent đã phân tích và nhận thấy có lý do để lạc quan. Lần khủng hoảng này không bắt nguồn từ một dạng mất cân đối hay vấn đề nghiêm trọng nào đó trong nền kinh tế, chẳng hạn một cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính, lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc lãi suất tăng mạnh... Thay vào đó, kinh tế toàn cầu suy sụp vì sự xuất hiện của một loại virus mới nguy hiểm mà loài người chưa có khả năng miễn dịch tự nhiên để chống lại, cũng chưa có vaccine để phòng ngừa, phương pháp điều trị, hay bất kỳ một căn cứ khoa học thực sự nào để hiểu rõ.

Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, một khi virus được khống chế, nền kinh tế thế giới sẽ dễ dàng hồi phục. Chỉ cần virus lắng xuống, các hoạt động bình thường sẽ được nối lại, mà không cần tới các biện pháp tái cấu trúc gây đau đớn như sau mỗi lần khủng hoảng trước đây. Về lý thuyết, sự phục hồi có thể diễn ra theo biểu đồ dạng chữ V.

Nhưng chính cách nhìn này đã khiến thế giới ít nhiều chủ quan trước khi một làn sóng virus mới bắt đầu nổi lên vào mùa thu năm nay ở nhiều quốc gia. Khi đó, một số khu vực của nền kinh tế dường như có thể biến mất mãi mãi vì xu hướng tiêu dùng thay đổi.

Khi cuộc khủng hoảng mới xảy ra, nhà kinh tế học Ricardo Reis nói rằng phong tỏa giống như đưa nền kinh tế vào trạng thái đóng băng sâu. Nhưng ông nói thêm: "Nếu bạn đóng đông một miếng thịt, thì khi được rã đông một tháng sau đó, miếng thịt vẫn còn khá tốt. Nhưng nếu bạn làm điều đó với một trái nho, trái nho sẽ không thể ăn được nữa".

Ở thời điểm mùa thu, nhiều người đã bắt đầu lo sợ rằng nền kinh tế thế giới giống như một trái nho, và tính đến việc phải thích nghi với bình thường mới bằng cách rút hỗ trợ những công việc "không khả thi" trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, như bán lẻ, du lịch và khách sạn. Họ cho rằng thà chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, còn hơn trì hoãn một điều tất yếu sẽ xảy ra.

NHÂN TỐ VACCINE VÀ THẬN TRỌNG CẦN THIẾT

Nhưng rồi kết quả thử nghiệm thành công của 3 loại vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 11 đã một lần nữa thay đổi triển vọng kinh tế toàn cầu và làm dấy lên hy vọng rằng thế giới thực sự có thể sớm quay trở lại mức sản lượng kinh tế như trước đại dịch, với số lượng việc làm tương tự.

Cần phải nhấn mạnh sự khác biệt về từ ngữ sử dụng trong báo cáo của IMF vào tháng 10 và báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào tháng 12. Trong khi IMF nói về "quá trình phục hồi dài và khó khăn" của kinh tế toàn cầu, OECD nói rằng thế giới "đã tránh được điều tồi tệ nhất" và "sự phục hồi sẽ mạnh hơn và nhanh hơn khi ngày càng có nhiều hoạt động được nối lại, hạn chế tổng mất mát thu nhập do cuộc khủng hoảng này".

Đó chính là khác biệt mà vaccine Covid-19 mang lại cho triển vọng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hai báo cáo trên có một điểm tương đồng, là đều cho rằng phải đến cuối năm 2021 các hoạt động kinh tế trên toàn cầu mới có thể trở lại mức tương tự như ở thời điểm cuối năm 2019. Dù vậy, không thể coi đây là một sự "bật tăng trở lại" ("bounce back"), vì nền kinh tế toàn cầu mới chỉ có khả năng trở lại mức của trước khủng hoảng, thay vì đạt được mức như kỳ vọng đặt ra trước khủng hoảng.

Sử dụng các dự báo trước đại dịch để làm cơ sở so sánh, IMF đưa ra một kết luận khá sốc rằng đến năm 2025, thiệt hại mà đại dịch này gây ra cho kinh tế toàn cầu có thể lên tới 28 nghìn tỷ USD, tương đương với khoảng 1/3 quy mô nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019.

Cũng cần phải nói thêm rằng kinh tế toàn cầu cần tăng trưởng khoảng 1% mỗi năm để bù vào phần dân số tăng thêm. Bởi vậy, sự mất mát sản lượng kinh tế thế giới tính theo bình quân đầu người nếu dựa trên các dự báo trước khi có dịch thậm chí còn lớn hơn nhiều so với thiệt hại thể hiện qua những con số ở trên.

Ngoài ra, việc ra khỏi tình trạng khẩn cấp kinh tế hiện nay được dự báo có thể khó khăn hơn nhiều so với ứng phó ban đầu. Tại Mỹ, nếu tiếp tục kiểm soát Thượng viện, Đảng Cộng hòa có thể cản trở những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế thông qua tăng chi tiêu công của Tổng thống đắc cử Joe Biden - người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1.

Các quốc gia đang phát triển khó có thể tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19 trước cuối năm 2021,  bởi các đơn hàng đặt mua vaccine tính đến thời điểm này chủ yếu là của các nước giàu hơn. Nợ của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở các nền kinh tế phát triển cũng là một vấn đề. Các chính phủ vẫn có thể vay vốn với lãi suất siêu thấp, nhưng cần tìm ra biện pháp để đảm bảo rằng gánh nặng nợ nần của khu vực tư nhân không trở thành một rào cản đối với phục hồi kinh tế.

Tất cả những nhiệm vụ này đều không dễ dàng. Sau khi gục ngã, kinh tế thế giới đang đối mặt một quá trình dài và gian nan để thực sự đứng dậy.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top