Kể từ cuối tháng 10, khi chính phủ Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ, tài sản của Jack Ma - người đồng sáng lập Alibaba, Ant Group - đã "bốc hơi" gần 11 tỷ USD.
Tài sản của tỷ phú 56 tuổi có thời điểm tăng lên mức kỷ lục 61,7 tỷ USD trong năm nay và gần giành lại được danh hiệu người giàu nhất châu Á. Tuy nhiên, hiện tại, với tài sản 50,9 tỷ USD, ông rơi xuống vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng 500 tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index.
Mặc dù Jack Ma cùng đế chế Alibaba của ông là tâm điểm trong đợt thắt chặt kiểm soát các công ty công nghệ của Bắc Kinh, ông không phải là tỷ phú công nghệ duy nhất bị ảnh hưởng.
Vài tuần gần đây, các đại gia công nghệ Trung Quốc đã mất hàng trăm tỷ USD vốn hóa. Giá cổ phiếu công ty Tencent của tỷ phú Pony Ma mất 15% giá trị kể từ đầu tháng 11. Trong khi đó, giá cổ phiếu hãng giao đồ ăn khổng lồ Meituan của tỷ phú Wang Xing cũng giảm gần 20% so với mức đỉnh hồi tháng trước. Tính từ cuối tháng 10, chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Alibaba cũng sụt hơn 25% giá trị.
Việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý các hãng công nghệ khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc lại về việc nắm giữ cổ phần tại những công ty này dù Trung Quốc chứng kiến làn sóng tiêu dùng trực tuyến bùng nổ sau nhiều đợt phong tỏa phòng đại dịch Covid-19 đầu năm nay.
"Có nhiều tín hiệu tương tự cho thấy các hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc đang nằm trong 'tầm ngắm' của nhà chức trách", Bruce Pang, giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities Hồng Kông, cho biết. "Hướng dẫn dự thảo về chống độc quyền và rà soát chống độc quyền là hai trong số đó".
Jack Ma bắt đầu gặp rắc rối khi ông cùng đội ngũ của mình chuẩn bị đưa Ant Group - công ty tài chính đứng sau nền tảng thanh toán Alipay - lên sàn chứng khoán. Thương vụ IPO lớn nhất thế giới đã bị các nhà chức trách Trung Quốc đình chỉ hai ngày trước thời điểm lên sàn dự kiến vào đầu tháng 11.
Việc đình chỉ IPO 35 tỷ USD của Ant là một trong những tín hiệu đầu tiên của đợt thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ khi mà các hãng này ngày càng quyền lực hơn, thâm nhập sâu hơn vào đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu người.
Sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục áp thêm lệnh hạn chế đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng với các quy định mới nhằm kiểm soát sự thống trị của các hãng Internet khổng lồ. Alibaba và một công ty con của Tencent đã bị phạt vì các thương vụ thâu tóm bị cho là vi phạm quy định chống độc quyền từ nhiều năm trước. Việc chính phủ kiểm soát gắt gao hơn đối với các thương vụ thâu tóm và sáp nhập có thể đẩy các đế chế Internet vào một tương lai tăng trưởng đầy bất ổn.
"Nếu các thương vụ tương tự được thực hiện tại Mỹ và châu Âu, ví dụ ngày mai Facebook sáp nhập với Google, các nhà quản lý cũng sẽ phải thận trọng", Liu Cheng của hãng luật King & Wood Mallesons ở Bắc Kinh, nhận xét. "Các hãng công nghệ khổng lồ cần chú ý hơn tới việc tuân thủ quy định trong các hoạt động hàng ngày".
Tuy vậy, nếu xét trên cả năm, tài sản của các tỷ phú Internet Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhờ giá cổ phiếu đi lên hồi đầu năm. 21 tỷ phú công nghệ Trung Quốc trong Bloomberg Billionaire Index đã "bỏ túi" 187 tỷ USD trong năm 2020. Bất chấp giá cổ phiếu Alibaba giảm kỷ lục vài phiên gần đây, tài sản của Jack Ma vẫn tăng 4,3 tỷ USD so với hồi đầu năm.
Ngược lại, giới tỷ phú trong các lĩnh vực truyền thống như bất động sản chịu thiệt hại lớn vì đại dịch. Ông Hui Ka Yan, chủ tịch China Evergrande Group mất 7,4 tỷ USD năm 2020 - mức giảm tài sản lớn nhất trong Bloomberg Billionaire Index.
Theo Pang của China Renaissance, cam kết nỗ lực chống độc quyền và ngăn chặn tình trạng huy động vốn ồ ạt sẽ được chính phủ Trung Quốc duy trì trong năm 2021. Pang cho rằng ngành công nghệ được quản lý chặt chẽ sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hậu Covid-19 trong bối cảnh nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn đang phải vật lộn chống chọi với đại dịch.
Post a Comment