Một tuần biến động mạnh với các phiên tăng giảm biên độ lớn gắn liền với sự cố hệ thống giao dịch khiến nhà đầu tư có phần bất an. Tuy vậy các chuyên gia cho rằng không nên quá lo ngại.
Chấp nhận "sống chung với lũ" là quan điểm được các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư và việc khó đặt lệnh giao dịch không làm ảnh hưởng nhiều đến xu hướng thị trường đang mạnh mẽ. Giá trị cốt lõi của cổ phiếu không bị chi phối bởi những trục trặc hệ thống. Đồng thời các ý kiến cho rằng việc quá tải là do dòng tiền vào mạnh không phải là dấu hiệu thị trường đạt đỉnh.
Mặc dù vậy các chuyên gia cũng khuyến nghị thận trọng với các giao dịch ngắn hạn và nhà đầu tư nên thực hiện giao dịch trong buổi sáng khi hệ thống còn xử lý tốt. Với khả năng thanh khoản khó cao hơn do yếu tố kỹ thuật, nhà đầu tư nên chú ý giai đoạn thị trường đi ngang với thanh khoản như hiện tại mà không bứt phá thêm được.
Tuy quan điểm chủ đạo vẫn là giữ cho lợi nhuận chạy, các chuyên gia vẫn thực hiện tái cơ cấu danh mục, chốt lời bớt những cổ phiếu tăng nóng hoặc đạt tới giá mục tiêu.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Hệ thống giao dịch đang gặp vấn đề, lệnh mua bán đều không thông suốt. Theo anh chị nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Với tôi phương châm đầu tư hợp lý nhất đó là đừng để ý đến thị trường biến động thế nào hay thị trường đang có những vấn đề giao dịch ra sao để hành xử, mà là hãy đầu tư, giao dịch vào các cổ phiếu riêng lẻ, quên đi các vấn đề kỹ thuật.
Nếu nhà đầu tư thấy cơ hội đến từ các doanh nghiệp có triển vọng doanh thu/lợi nhuận tốt, bị đánh giá thấp hơn những gì mà nó xứng đáng...thì hãy mua cổ phiếu đó và làm việc khác. Các yếu tố nhiễu nhiều khi chỉ làm chúng ta sao nhãng không tập trung vào các kế hoạch đầu tư mà thôi.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Theo tôi nhà đầu tư trước tiên cần giữ được sự tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định mua/bán. Việc thị trường có thời điểm giảm rất mạnh trong tuần vừa qua xuất phát từ tâm lý hoảng loạn về khả năng không thể bán cổ phiếu ở mức giá mong muốn hơn là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn hợp lý để tiến hành cơ cấu danh mục đầu tư để đón đầu những cơ hội có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Rủi ro này xuất phát từ năng lực của hệ thống, do vậy nhà đầu tư phải chấp nhận "sống chung với lũ" và chờ đợi cơ quan chức năng xử lý. Tôi cho rằng đây cũng là rủi ro bất khả kháng.
Tuy vậy tôi hy vọng vấn đề này không kéo dài mãi, nhất là trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đang hưng phấn, dòng tiền vào thị trường mạnh nhất từ trước tới nay. Triển vọng nâng hạng thị trường, tạo niềm tin cho giới đầu tư trong và ngoài nước hiện đang phụ thuộc vào khả năng khắc phục hệ thống giao dịch hiện nay.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Việc hệ thống gặp trục trặc trong tuần qua chắc chắn đã gây ra ít nhiều sự bất tiện đối với nhà đầu tư. Đây là vấn đề bất khả kháng trong bối cảnh giá trị giao dịch thị trường tăng đột biến các phiên gần đây, và vấn đề này đang được Sở Giao dịch tìm cách khắc phục.
Trên thực tế, dù hiện tượng này có thể tác động ngắn hạn đến tâm lý nhà đầu tư qua đó ảnh hưởng đến diễn biến thị trường ở một vài thời điểm, nhưng xu hướng dài hạn của thị trường, hay giá trị cốt lõi của cổ phiếu không bị ảnh hưởng. Theo tôi việc này tác động đến hoạt động đầu tư dài hạn là không quá nghiêm trọng.
Dù vậy, đối với hoạt động trading ngắn hạn, nhà đầu tư nên ưu tiên vào lệnh trong phiên sáng, thời điểm ít ghi nhận sự cố hơn so với phiên chiều.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi những lần hệ thống giao dịch của sàn gặp lỗi trục trặc đều là các giai đoạn cao trào của thị trường và sau đó thị trường có nhịp chỉnh. Nên giai đoạn này tôi thấy nhà đầu tư nên đặt cao sự thận trọng hơn nữa luôn bán sát diễn biến cổ phiếu trong danh mục nắm giữ để xử lý nếu thị trường đảo chiều.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thanh khoản gia tăng rất cao và xuất hiện những biến động rất mạnh trong những phiên cuối tuần mới dẫn đến hệ thống giao dịch quá tải. Nếu nhìn từ góc độ nguyên nhân – kết quả thì rõ ràng phải có giao dịch lớn xuất hiện thì hệ thống mới trục trặc. Nếu bỏ qua yếu tố trục trặc kỹ thuật, liệu thị trường có đang phát tín hiệu tạo đỉnh hay không, khi VN-Index cũng lên sát 1.100 điểm?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Trong trường hợp bỏ qua yếu tố trục trặc kỹ thuật, giới đầu từ lúc này cũng không mấy quan tâm đến việc thị trường có đang phát tín hiệu tạo đỉnh hay không. Các ngưỡng kỹ thuật lúc này không phải là yếu tố để nhà đầu tư thận trọng, nhà đầu tư đang dõi theo liệu đâu mới là đỉnh của thanh khoản.
Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu đang ở đỉnh cao lịch sử, dòng tiền trong nước đang vào thị trường cuồn cuộn và nhà đầu tư đang "say" trong chiến thắng, việc thị trường có phát tín hiệu tạo đỉnh thì cũng dễ dàng bị phủ nhận!
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi thị trường đã phát một số tín hiệu khả năng cao tạo đỉnh ngắn hạn quanh giai đoạn này như: nhà đầu tư hưng phấn quá đà, thị trường đã có 5 phiên phân phối…
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi vẫn cho rằng thị trường sẽ vẫn tiếp tục chinh phục các điểm cao mới cho dù VN-Index gặp thử thách ở ngưỡng 1.080 – 1.100 điểm. Thanh khoản tăng cao, dòng tiền tham gia vào thị trường quá mạnh sẽ là yếu tố khiến thị trường leo lên các nấc thang điểm số mới. Chưa thấy tín hiệu đỉnh của thị trường trong ngắn hạn.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Bối cảnh vĩ mô hiện tại (lãi suất thấp, trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, đầu tư vàng, USD mất tính hấp dẫn…), dòng tiền ồ ạt đổ vào kênh chứng khoán khiến thanh khoản tăng cao kỷ lục là điều có thể hiểu được và không nhất thiết là tín hiệu cho thấy thị trường đã tạo đỉnh.
Mặc dù vậy, nếu so với thời điểm cách đây vài tháng, rõ ràng mặt bằng giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại đã phần nào mất đi tính hấp dẫn khi mà khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã lập đỉnh cao mới. Tôi không cho rằng thị trường đang ở vùng đỉnh khi mà các yếu tố cơ bản vẫn đang diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên 1 quan điểm đầu tư thận trọng hơn sẽ là khôn ngoan ở thời điểm hiện tại.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Thanh khoản tăng cao phản ánh sự quan tâm lớn của dòng tiền bên ngoài đến thị trường chứng khoán. Trên thực tế, trong những phiên thị trường bị ảnh hưởng bởi trục trặc kỹ thuật, sự tiếc nuối lại đến từ bên mua khi không thể vào lệnh để mua cổ phiếu ở vùng giá hợp lý.
Theo phân tích kỹ thuật, tín hiệu tạo đỉnh (nếu có) tại mức 1.100 điểm là chưa thực sự rõ ràng khi nhiều cổ phiếu vẫn đang trong trạng thái tích luỹ tại nền giá mới sau giai đoạn tăng mạnh từ tháng 11. Chỉ số VN-Index cũng đang nằm trong vùng kháng cự mạnh, nên việc xuất hiện diễn biến rung lắc là điều hoàn toàn bình thường.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Kết quả giao dịch hàng ngày không phản ánh được thực chất cung cầu từng thời điểm khiến phân tích kỹ thuật kém chính xác. Vậy theo anh chị đâu là tín hiệu để nhà đầu tư cẩn trọng lúc này?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi các tín hiệu để nhà đầu tư cẩn trọng lúc này: i) Thị trường đã có nhịp tăng liên tục khá dài nên cần thời gian nghỉ ngơi lấy đà để lên tiếp; ii) Tâm lý đám đông đang rất hưng phấn; iii) Lượng margin đang sử dụng rất lớn; iv) Phân tích kỹ thuật thì thị trường xuất hiện 5 phiên phân phối với lực bán mạnh trong khi phiên hồi phục luôn với thanh khoản yếu hơn.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Các kế hoạch giải ngân đến từ chính sự khởi sắc của kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ nới lỏng và đặc biệt nhất đó chính là dòng tiền tham gia vào thị trường. Câu hỏi đặt ra là tham gia cổ phiếu gì, tỷ trọng bao nhiêu, nắm giữ hoặc điều chỉnh tỷ trọng như thế nào cũng đòi hỏi sự kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Cẩn trọng có thể là việc chọn đúng cổ phiếu, quyết định sử dụng đòn bẩy tránh các bẫy điều chỉnh của thị trường. Tôi cho rằng nếu xuất hiện những phiên bán tháo mạnh mẽ với thanh khoản gấp 2 hoặc thậm chí gấp 3 lần là tín hiệu đáng lưu ý.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Theo tôi nhà đầu tư cần lưu ý thêm thời gian chỉ số tích luỹ tại vùng 1.080 – 1.100 điểm – vùng điểm từng đươc thiết lập vào tháng 3/2018. Thanh khoản ở mức cao chỉ là một dấu hiệu cảnh báo, nhưng việc chỉ số nằm ở vùng điểm hiện tại trong thời gian dài mà vẫn không có sự bứt phá thì rủi ro tạo đỉnh ngắn hạn sẽ gia tăng đáng kể.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Do yếu tố cung cầu không phản ánh đúng giao dịch trên thị trường do vậy các dấu hiệu về kỹ thuật kém chính xác và độ tin cậy thấp. Nhà đầu tư sẽ dõi theo các tín hiệu về dòng tiền, liệu đâu sẽ là đỉnh của dòng tiền? Khi nào thì các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sẽ bình thường hóa: khi nào lãi suất sẽ tăng? Khi nào tỷ lệ thất nghiệp đạt mức toàn dụng, v.v…
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Về mặt cơ bản, thị trường ở thời điểm hiện tại đang chịu tác động bởi các yếu tố như diễn biến dịch Covid-19, đặc biệt liên quan đến chủng virus mới; gói kích thích tài khóa của Chính phủ Mỹ cũng như chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương; kết quả kinh doanh quý 4 các doanh nghiệp niêm yết cùng với các số liệu vĩ mô của cả năm 2020. Đây là những yếu tố có tính chất chi phối đến thị trường trong nước ở thời điểm hiện tại mà nhà đầu tư nên chú ý.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần trước quan điểm của anh chị khá tích cực, tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và thị trường cũng có những phiên đầu tuần rất khả quan. Anh chị đã chốt lời chưa?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nếu bỏ qua yếu tố trục trặc kỹ thuật tuần vừa qua, thị trường cho thấy tâm lý khá tích cực và dòng tiền khỏe, nhà đầu tư chỉ chờ các nhịp điều chỉnh trong phiên để cơ cấu danh mục hoặc mở thêm vị thế mới. Do vậy chiến lược giao dịch hiện tại vẫn là để cho lợi nhuận chạy, nếu có cơ cấu thì chọn các nhóm cổ phiếu có điểm rơi về lợi nhuận trong quý 4 hoặc quý 1 năm sau như: chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, v.v…..
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tuần vừa qua tôi đã tiến hành chốt lời một phần danh mục những cổ phiếu đã đạt đến giá mục tiêu. Tuy nhiên tỷ trọng cổ phiếu/tiền vẫn duy trì ở mức cao là 60/40.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Với quan điểm thận trọng hơn về xu hướng thị trường chung, chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như số liệu vĩ mô tới đây công bố, tôi giảm tỷ trọng cổ phiếu từ mức cao xuống trung bình.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Điều chỉnh hay cơ cấu danh mục luôn được đánh giá liên tục trong quá trình đi lên của thị trường. Tôi cho rằng vẫn ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục – việc chốt lời ở một số cổ phiếu tăng nhanh cũng đã bắt đầu được thực hiện.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tuần trước tuy tôi giữ quan điểm thị trường có thể tăng lên mốc 1.100 điểm nhưng tôi dựa vào nhịp tăng này để chốt lời dần các cổ phiếu có dấu hiệu phân phối cũng như chững lại đà tăng để bảo toàn thành quả cũng như chuẩn bị tiền cho một nhịp sóng mới.
Post a Comment