Từ mùa hè năm ngoái, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt trội so với những đánh giá ảm đạm đưa ra trước đó, một phần nhờ chính sách tài khóa siêu nới lỏng. Gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà Quốc hội Mỹ mới phê chuẩn và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào tuần trước chính là "liều thuốc bổ" mới nhất mà Washington "bơm" cho nền kinh tế. 

Như vậy, chỉ từ tháng 12/2020 tới nay, Chính phủ Mỹ đã chi gần 3 nghìn tỷ USD cho công tác khắc phục hậu quả đại dịch, tương đương 14% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trước đại dịch. Nếu tính từ khi đại dịch bắt đầu, Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 6 nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế.

KINH TẾ MỸ HỒI SINH NGOẠN MỤC 

Kết hợp với chính sách tài khóa siêu nới lỏng của Chính phủ Mỹ là chính sách tiền tệ cũng mở rộng không kém của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo các kế hoạch ở thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ và Fed sẽ bơm khoảng 2,5 nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng trong năm nay và lãi suất sẽ tiếp tục ở ngưỡng gần 0. Tờ The Economist nhận định, trong suốt 1 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã quá rụt rè, và cho rằng trong lần khủng hoảng này Mỹ đã có sự phản ứng quyết liệt hơn nhiều.

Kết quả của sự quyết liệt đó có thể là một sự bật tăng trở lại của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay, mạnh mẽ tới mức ít ai có thể hình dung ra trước đây. Những số liệu kinh tế gần đây cho thấy một sự bật tăng như vậy là điều hoàn toàn có thể.

Trong tháng 1/2021, doanh thu bán lẻ ở Mỹ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tấm séc kích cầu 600 USD mỗi người mà hầu hết người dân nước này nhận được từ gói kích cầu 900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 379.000 công việc mới trong tháng 2, vượt xa mức dự báo 182.000 công việc mới mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.

Phải ở nhà trong những đợt giãn cách xã hội và không thể chi tiêu như bình thường cho các hoạt động như ăn uống ở nhà hàng, đi bar, đi xem phim ở rạp, người tiêu dùng Mỹ đã tiết kiệm được thêm 1,6 nghìn tỷ USD trong vòng một năm qua.

Tiếp đó, gói kích cầu của ông Biden lại dành cho phần lớn người dân Mỹ tấm séc kích cầu 1.400 USD mỗi người. Như vậy, một lượng tiền rất lớn trong hầu bao của người tiêu dùng Mỹ đang chờ được chi tiêu một khi nền kinh tế thực sự mở cửa trở lại. Nếu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 tiếp tục được đẩy mạnh và nước Mỹ tránh được những biến chủng mới của virus, tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm sâu dưới mức 5% vào cuối năm nay, từ mức 6,2% hiện nay.

Những thông tin kinh tế khả quan không chỉ đến từ nước Mỹ. Các cuộc khảo sát ngành sản xuất cho kết quả khả quan ngay cả ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - nơi chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra chậm hơn so với ở Mỹ, phải chống chọi với những biến chủng mới của Covid, và triển khai các biện pháp kích cầu khiêm tốn hơn.

Gói kích cầu khổng lồ của ông Biden được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu. Thâm hụt thương mại của Mỹ hiện nay đã lớn hơn khoảng 50% so với trước đại dịch do nước này nhập khẩu mạnh hàng hóa.

Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới có vẻ sẽ khó theo kịp tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ. Trong một báo cáo hôm 9/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo vào thời điểm cuối năm 2022, Mỹ sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới đạt quy mô lớn hơn so với dự báo trước đại dịch.  Từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng mạnh hơn cả Trung Quốc - nền kinh tế đang bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và chứng kiến thị trường chứng khoán sụt giảm khoảng 9% từ giữa tháng 2 đến nay.

Chi nhánh Atlanta của Fed mới đây dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 10% trong 3 tháng đầu năm. Ở thời điểm cuối năm ngoái, giới chuyên gia kinh tế cho rằng sớm nhất cũng phải đến quý II hoặc quý III năm nay, nền kinh tế 21,5 nghìn tỷ USD của Mỹ mới hồi lại được phần sản lượng mất mát do Covid-19 gây ra. Nhưng đến hiện tại, dự báo đó được đẩy lên sớm hơn.

"Sự phục hồi hình chữ V về GDP sẽ giữ vững hình chữ V trong nửa đầu năm nay, và có thể đến hết năm", chuyên gia Ed Yardeni của Yardeni Research nhận xét. "Tuy nhiên, sau quý I sẽ không còn sự hồi phục, vì đến lúc đó GDP đã hồi phục hoàn toàn rồi. Tiếp theo, GDP sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng".

Việc bật dậy từ một cuộc khủng hoảng có thời điểm đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 15% là một thành tựu lớn của nước Mỹ, đồng thời trái ngược với cuộc phục hồi chậm chạp của nền kinh tế nước này sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Gói 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden chắc chắn sẽ giúp ích không nhỏ cho những người Mỹ còn đang thất nghiệp vì đại dịch, bởi so với thời điểm trước Covid-19, số việc làm ở Mỹ hiện nay đang ít hơn 9,5 triệu công việc.

NHỮNG LỢI ÍCH VÀ NGUY CƠ 

Nhưng công lớn trong việc vực dậy nền kinh tế Mỹ không chỉ thuộc về chính sách tài khóa. Thực ra, nước này đang sử dụng một công thức kết hợp giữa ba yếu tố, bao gồm kích cầu ở quy mô chưa từng có tiền lệ, quan điểm cởi mở hơn của Fed về áp lực lạm phát gia tăng tạm thời; và lượng tiền tiết kiệm khổng lồ mà người tiêu dùng sẵn sàng mở ví để chi tiêu một khi đại dịch lắng xuống.

Cuộc thử nghiệm công thức này là điều mà nước Mỹ chưa từng làm kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Lợi ích mang lại là điều không ai có thể phủ nhận, nhưng đi cùng với đó là nguy cơ kinh tế Mỹ - và cả kinh tế toàn cầu - có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng quá nóng.

Đây cũng chính là vấn đề khiến giới đầu tư ở Phố Wall và trên thị trường tài chính toàn cầu lo lắng trong thời gian gần dây. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - một "hàn thử biểu" về kỳ vọng lạm phát và kỳ vọng lãi suất - đã tăng 1 điểm phần trăm từ mùa hè năm ngoái. Do vai trò trụ cột của nước Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, triển vọng chính sách tiền tệ của nước này có ảnh hưởng lan tỏa trên phạm vi rộng.

Trong những tuần gần đây, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đã phải tăng cường mua vào trái phiếu để ngăn đà tăng của lợi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang cân nhắc biện pháp tương tự. Những thị trường mới nổi có thâm hụt ngân sách lớn như Brazil hay có mức nợ lớn bằng đồng USD như Argentina đang có lý do để lo sợ về sự thắt lại của các điều kiện tài chính trên toàn cầu một khi chính sách tiền tệ của Mỹ chuyển từ mở rộng sang thắt chặt.

Fed vẫn quả quyết sẽ giữ lãi suất ở mức siêu thấp và tiếp tục mua tài sản cho tới khi nền kinh tế trở nên khỏe mạnh hoàn toàn. Lạm phát tất yếu sẽ tăng bởi giá hàng hóa cơ bản đang leo thang, nhưng Fed vẫn chưa phát đi một tín hiệu lo lắng nào về điều đó. Từ năm ngoái, Fed đã áp dụng cơ chế "mục tiêu lạm phát bình quân, cho phép tỷ lệ lạm phát được phép vượt ngưỡng 2% ở một số thời điểm, miễn sao mức lạm phát bình quân không vượt quá con số này.

Cơ chế này của Fed được xem là hợp lý, bởi trong phần lớn thời gian của thập kỷ qua, vấn đề của thế giới là lạm phát thấp chứ không phải là lạm phát cao. Cho dù đến lúc nền kinh tế Mỹ có trở nên quá nóng, thì Chủ tịch Fed Jerome Powell hoàn toàn có thể nói rằng đó chỉ là một vấn đề tạm thời. Ông Powell vẫn lập luận rằng triển vọng lạm phát dài hạn "chưa có gì thay đổi".

Dù vậy, cả Fed và thị trường đều không thể đoán trước được kết quả cuối cùng của cuộc thử nghiệm công thức ba yếu tố nói trên. Có thể sẽ đến lúc Fed phải "dội nước lạnh" vào nền kinh tế - nâng lãi suất để chặn đà leo thang của lạm phát. Đó sẽ là một biện pháp "bất đắc dĩ", xét tới việc Fed gần đây luôn nhấn mạnh sứ mệnh tạo việc làm tối đa trong nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất tăng cũng là một "cơn ác mộng" đối với thị trường chứng khoán Phố Wall và khiến khối nợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ càng trở nên lớn hơn.

Như vậy, có thể thấy rằng, gói kích cầu của ông Biden là một "canh bạc" lớn. Nếu thành công, nước Mỹ sẽ thoát khỏi cái bẫy lạm phát thấp, lãi suất thấp mà Nhật Bản và châu Âu có vẻ đang mắc kẹt. Các ngân hàng trung ương khác có thể học theo cách thiết lập mục tiêu lạm phát của Fed. Những gói kích cầu khổng lồ sẽ trở thành cách phản ứng chuẩn mực với các cuộc suy thoái. Nhưng rủi ro nằm ở chỗ khối nợ của Mỹ ngày càng lớn, lạm phát có thể bùng lên, và Fed có thể phải đối mặt với một cuộc thử thách về niềm tin.

Đó là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng ông Biden nên đưa ra một gói kích cầu nhỏ hơn. Tuy nhiên, những vấn đề trong nền chính trị Mỹ dường như không cho phép điều đó, và Đảng Dân chủ muốn làm tất cả những gì mà họ có thể làm được. "Canh bạc" của ông Biden được tung ra rõ ràng là tốt hơn việc ông khoanh tay đứng nhìn, nhưng quy mô của sự đặt cược này thực sự là một vấn đề.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top