Hè tôi cho con về quê chơi. Ông bà cho cháu xem điện thoại, tivi thoải mái.
Tôi thấy không ổn khi những chủ đề con nói toàn về hoạt hình, game, thậm chí con bắt chước theo các hành động đó (đa số toàn xu hướng tiêu cực). Tôi lên kế hoạch cai điện thoại cho con. Tôi hay nói với con về tác hại của việc xem điện thoại nhiều, cách dùng điện thoại sao cho đúng để tốt cho bản thân, nếu không có điện thoại con sẽ chơi gì và các trò đó có gì thú vị. Bước này quan trọng để con hiểu và đỡ ấm ức, chống đối.
Một lần con vô tình làm rớt điện thoại (vẫn dùng được), tôi nghĩ đây là cơ hội để cai điện thoại cho con. Tôi để máy tắt nguồn, làm hỏng cục sạc và diễn như thật rằng điện thoại con bị hư. Tôi cũng diễn luôn cảnh mình đi sửa, bên hãng báo sửa nhiều tiền lắm, mẹ không có tiền. Trò này phải có sự thông đồng của cả người nhà. Sự giả dối bất đắc dĩ nhưng tôi nghĩ như thế con sẽ không bị sốc và ít chống đối hơn.
Tôi mua thêm đồ chơi, sách để con chơi và đọc. Tôi ráng chịu khó đọc những quyển sách đó rồi kể con nghe hoặc khơi gợi sự tò mò của con để con. Ví dụ: Con kể chuyện một anh lớp lớn nói đưa anh ấy sửa đồ chơi giúp nhưng bị lấy mất. Anh chạy nhanh nên con không tìm ra được. Sau khi trò chuyện với con, tôi dẫn dắt về chủ đề sách. Con kể chuyện này làm mẹ nhớ tới câu chuyện Chó sói và cò, rồi tôi kể sơ sơ câu chuyện, úp mở chút xíu và hỏi con thấy giống không? Khi bạn nhỏ tò mò sẽ hỏi chuyện tên gì, mẹ đọc sách nào vậy? Câu trả lời của tôi: "Mẹ cũng không nhớ rõ lắm" rồi gợi ý cho con hai quyển để con tìm. Cứ thế con tìm được sự thú vị của đọc sách và coi mẹ như người bạn để trao đổi. Những con chữ trở nên dễ hiểu hơn khi mẹ gắn liền với thực tế, vì thế con càng ngày càng thích đọc hơn.
>> Muốn giúp con cai điện thoại
Con chắc chắn vẫn đòi điện thoại nhưng lúc này tôi đưa ra luật chơi mới, tuần chỉ được coi vào chủ nhật với điều kiện học xong bài. Những lúc con kêu gào, năn nỉ xem điện thoại, tôi vẫn từ chối một cách khéo léo và kiên nhẫn. Tôi chấp nhận đóng vai ác. Những lúc con học online, xem bài văn mẫu, học tiếng Anh, tra Google kiến thức, tôi đều có sự quan sát nhất định. Ngày dùng điện thoại giải trí, con chỉ được phép xem những video có giới hạn tuổi, chơi game dạng học mà tôi tải sẵn, con muốn coi cái khác phải xin phép. Chỉ cần tôi bắt gặp con vi phạm là sẽ bị cấm dùng một tuần, lần hai vi phạm cấm hai tuần, lần ba vi phạm sẽ cấm vĩnh viễn. Khi mẹ nói gần tới giờ là con biết chuẩn bị giao điện thoại, mẹ bảo hết giờ con phải tắt. Tôi ra luật là sẽ nghiêm túc thực hiện nên con ít vi phạm. Cái này tôi huấn luyện từ nhỏ nên con cũng hiểu, khỏi mè nheo.
Tôi nghĩ cũng giống như các anh chồng cai thuốc lá, nếu trước mặt mà có ai hút hoài thì rất thèm và dễ hút lại lắm. Vì vậy để con vào nếp, tôi làm gương trước. Khi con học bài, đọc sách, tôi không xem TV, điện thoại, không cười nói ồn ào mà đọc sách cùng con hoặc làm việc, có khi tôi đeo tai nghe xem trong lặng lẽ. Để cai điện thoại cho con, tôi dành thời gian đọc sách cùng con, cho con chơi cùng bạn bè trong xóm, cùng con làm việc nhà, đi dạo, dạy con nấu ăn hoặc cho con tự học bài, tự chơi đồ chơi...
Với sự kiên nhẫn của mình, con đã quen với luật chơi mới, thích đọc sách, hay đòi mẹ mua thêm sách và truyện, có khi cuối tuần chơi vui không nhớ tới xem điện thoại luôn. Chủ đề của hai mẹ con ngoài những chuyện ở lớp còn có chuyện về sách và những bài học được rút ra. Cuối tuần được nghỉ học, việc làm đầu tiên của con là cầm sách vào phòng mẹ và bảo: "Để con đọc sách cho mẹ nghe nha".
Tôi là mẹ đơn thân, nhà có hai mẹ con nên việc dạy bảo con sẽ chủ động và có phần dễ hơn. Việc dạy dỗ con tôi nghĩ cần sự thống nhất và hợp tác của gia đình. Mỗi đứa trẻ sẽ có cá tính, năng khiếu, sở thích, khả năng học hỏi khác nhau. Để có phương pháp dạy đúng, cha mẹ cần phải hiểu con, đủ yêu thương, kiên nhẫn, đôi khi phải linh hoạt, tìm hiểu kiến thức và tâm lý nữa. Tôi chỉ chia sẻ chuyện nhà mình, không chắc bản thân có đúng không nên mong mọi người đọc xong thấy có gì không ổn hãy góp ý giúp tôi, hoặc có gì hay cũng chia sẻ để tôi học hỏi theo. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc bài này.
Vân
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.