Ba người bị ngộ độc cùng nhiều vật nuôi tử vong sau khi ăn gạo được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức trao tặng, nhưng Hội này khẳng định họ vô can...
"Gạo gì hôi quá!"
Ngày 28-1, đúng 8 ngày sau khi bị ngộ độc, chị Hồ Thị Nhân (SN 1978, trú thôn 6, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hồi phục sức khỏe. Ngoài ra, chị vẫn thường trực nỗi sợ hãi vì ngộ độc.
Chị Nhân sống cùng mẹ và cháu gái trong căn chòi nhỏ. Gia đình chị là hộ nghèo nhất làng. Ba bà cháu sống nương tựa vào nhau.
Vì thiếu vắng đàn ông nên họ không làm được nương rẫy mà chỉ đi làm công lấy tiền sống qua ngày. Gia đình họ luôn phải sống trong cảnh chạy ăn từng bữa, thiếu gạo, đói ăn xảy ra thường xuyên.
Do vậy buổi sáng 20-1, khi cán bộ xã Phước Trà xuống mời đi nhận quà tặng của Hội Chữ thập đỏ huyện Hiệp Đức, chị Nhân vội vàng đi ngay.
"Mình nhận được túi quà to. Một bao gạo 10kg, một bịch bột giặt 1kg, một chai xì dầu, một chai dầu ăn.
Mình mang về nhà lấy gạo ra nấu cơm ăn. Mẹ mình và cháu đi rẫy chưa về nhưng mình đói quá nên ăn cơm với rau trước. Mình ăn xong chưa kịp dọn mâm thì bị nôn, sau đó là đau bụng, tiêu chảy.
Mình bị đau 2 ngày mới hết. Sợ quá nên gói gạo lại không dám ăn nữa", chị Nhân kể.
Bà Hồ Thị Liên (mẹ chị Nhân) cho hay, dù nhà hết gạo đã hơn 1 tháng nhưng thấy con gái ăn cơm xong bị đau ốm nên cả nhà chỉ ăn rau, không dám dùng gạo nấu cơm.
Anh Hồ Văn Út (trú tại thôn 6) cũng bị ngô độc do ăn gạo từ thiện do Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức trao tặng như chị Nhân.
Anh Út kể, gia đình anh nhận được 10kg gạo buổi sáng thì ngay lập tức nấu ăn cho buổi trưa. Anh Út phải đi làm rẫy sớm nên ăn trước vợ con. Tuy nhiên, vừa ăn xong thì anh bị đau bụng, nôn mửa. Người nhà phải đưa anh đến trạm xá xã cấp cứu.
Ông Hồ Văn Sanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Phước Trà khẳng định thông tin người dân ăn gạo từ thiện bị ngộ độc là đúng. Ông Sanh cho hay, ngoài hai trường hợp trên còn có bà Hồ Thị Lanh bị ngộ độc.
"Người dân thấy gạo không ăn được nên đổ cho gà, lợn, chó ăn thì nó cũng chết. Riêng thôn 6 có 1 con lợn, 1 con chó và 5 con gà bị chết. Thấy gạo ăn vô đau bụng, gà lợn chết nên các nhà khác không dám ăn.
Toàn bộ số gạo trên hiện chúng tôi đã thu lại, lưu giữ niêm phong ở trụ sở xã Phước Trà. Nói thật, tôi ngửi gạo thì thấy hôi quá", ông Sanh nói.
Chị Nhân cũng khẳng định gạo có mùi rất hôi. "Gạo gì mà hôi quá. Lúc đó đói quá nên mới nấu cơm ăn thôi, giờ sợ rồi không ăn nữa", chị Nhân thổ lộ.
Hội Chữ thập đỏ vô can?
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức cho hay, ông đã đích thân kiểm tra việc người dân ngộ độc và vật nuôi bị chết sau khi ăn gạo.
"Tôi khẳng định là đúng. Gạo đã được tịch thu. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Tôi có giữ một mẫu nhưng ngửi thì thấy khá hôi", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, các suất quà này không phải của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức mua và trao tặng mà là của một nhà hảo tâm khác.
"Từ trước đến nay, Hội đã trao tặng rất nhiều lần cho các nạn nhân da cam và hộ nghèo trên địa bàn. Quà của chúng tôi là tự mua, đảm bảo chất lượng đàng hoàng.
Còn lần này là khác, chúng tôi chỉ đứng ra đại diện trao giúp một nhà hảo tâm khác", ông Thắng thông tin.
Theo ông Thắng, số suất quà này là của một nhà hảo tâm tên Sĩ (trú tại Đà Nẵng). Ông Sĩ liên lạc với ông Thắng qua điện thoại và ngỏ ý trao tặng 150 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam và hộ nghèo hai xã Sông Trà, Phước Trà (huyện Hiệp Đức).
Ngày 14-1, ông Sĩ cho người chuyển đến Trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức trao 100 phần quà.
Ông Sĩ ghi rõ có 70 phần quà cho xã Sông Trà và 30 cho xã Phước Trà. Ngày 20-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Hiệp Đức phối hợp với chính quyền 2 xã trao tặng các đối trượng trên. Đến ngày 22-1 thì Hội nhận được tin người dân ăn gạo bị ngộ độc.
"Quà này là của ông Sĩ nhờ chúng tôi trao tặng. Họ là nhà từ thiện, đưa quà đến cho dân mình thì tốt quá nên chúng tôi không kiểm tra.
Phần quà của họ có 10kg gạo, bột giặt, dầu ăn, xì dầu trị giá khoảng 200.000 đồng.
Tôi cũng không biết ông Sĩ là ai, chỉ biết ông ấy ở Đà Nẵng. Tôi có liên lạc lại với ông Sĩ qua điện thoại để tìm hiểu xem ông ấy mua gạo ở đâu. Ông ấy nói mua ở công ty lớn đàng hoàng.
Tôi đề nghị ông ấy đến trụ sở để làm rõ việc này thì ông ấy cáo bận", ông Thắng cho hay.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Post a Comment