Một thiếu nữ muốn trở thành Geisha là cả một quá trình dài có khi tới 10 năm đầy mồ hôi và nước mắt

"Geisha tiếng Nhật có nghĩa là “nghệ giả”. Một thiếu nữ muốn trở thành Geisha là cả một quá trình dài có khi tới 10 năm đầy mồ hôi và nước mắt. Bởi Geisha không chỉ là một nghề mà còn là nghề nghệ thuật. Nó khắt khe đến mức nếu không có tính kiên nhẫn, mãi mãi không bao giờ trở thành geisha mà chỉ là maiko - người giúp việc cho geisha mà thôi”.

Ông Suhamaki, đại diện của một phòng trà trên đường Hanamikoji , cố đô Kyoto (Nhật Bản) nói.

2.000 ngày khổ ải

Sáng 2/6/2012 là một buổi sáng trọng đại với Yamuka, geisha học việc ở “kaburenjo” –một trường đào tạo lớn geisha ở TP Kyoto . Hôm nay, cô làm lễ “thay đổi cổ áo” – nghi lễ cuối cùng để trở thành một geisha.

Yamuka dậy từ 5g sáng để lau dọn những bàn ghế ngồi của “các mẹ”, và các đàn chị lớp trước. Sau khi dọn dẹp xong, Yamuka bắt đầu trang điểm cho mình để chuẩn bị cho buổi lễ.

Khoác trên mình một bộ Kimono màu vàng nhạt có hình hoa mẫu đơn cánh lớn, khuôn mặt trang điểm của Yamuka dấu dưới lớp phấn trang điểm vẫn không dấu được vẻ rạng rỡ và đôi mắt tràn ngập niềm vui.

Buổi lễ của Yamuka được bắt đầu bằng việc một “okami” -  người quản lý dạy dỗ đứng lên lại gần chiếc bàn có đốt nhiều hương trầm và một lọ hoa anh đào nhựa để đọc một loạt những điều geisha cần làm đễ giữ mình.

geisha12Buổi trình diễn của một lớp học geisha trên phố Gion

Bà đọc đến đâu Yamuka cúi đầu và đọc lại đến đó một cách trịnh trọng. Những geisha trưởng thành có tiếng tăm ở đây cùng đến bên cạnh Yamuka chúc những lời tốt đẹp nhất. Đôi mắt Yamuka gần như khóc khi nghi lễ cuối cùng đổi cổ áo diễn ra. Chiếc cổ áo màu đỏ mà Yamuka mặc suốt 6 năm nay được đổi thành màu trắng. Cô đã chính thức trở thành một geisha thực thụ!

Để có được điều này là quá khó khăn. Nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều geisha học việc cùng thời điểm. Họ sẽ còn ít nhất 1 năm nữa mới tốt nghiệp như tôi” – Yamuka không dấu được sung sướng nói.

Theo lời của cô, Yamuka đến từ một làng nhỏ ngoại ô TP Tokyo và bắt đầu có ý định trở thành một geisha chuyên nghiệp từ năm lên 8 tuổi. Nhưng đến tận năm 15 tuổi, học hết cấp trung học, Yamuka mới  đến được TP Kyoto -  xứ sở của geisha để học việc.

“Những ngày đầu đến Kyoto, tôi phải làm việc tại một phòng trà từ 6g sáng đến 22g để có cơ hội tiếp xúc với các geisha trưởng thành để biết được công việc của họ vừa để kiếm tiền sinh sống. Sau 6 tháng, tôi mới được bà  nhận vào trở thành maiko- một người phụ giúp cho các chị”- Yamuka nói.

geisha11Học trang điểm và mặc đồ truyền thống bắt buộc thành thạo của các geisha

Trong tâm trí của một cô gái mới 15 tuổi chưa quen với những môi trường phòng trà, quán rượu tiếp khách quả là không quen. “Khó khăn nhất là phải học được quá nhiều thứ để trở thành geisha.

Từ ca kịch, học đàn, đi đứng trang điểm  đến học cách uống rượu. Uống rượu và tiếp khách là khó nhất vì các geisha không được từ chối khi khách mời và phải biết nói chuyện thế nào để khách thích” – Yamuka kể.

Nhưng Yamuka may mắn gặp được một “đàn chị” có tiếng tại Ochaya (phòng trà) Harutomi một phòng trà lớn trê phố Gion (Kyoto) là Suhina dìu dắt.

“Thường thì một ngày sẽ phải dậy từ 4g sáng để dọn dẹp và làm đồ ăn phục vụ các geisha trưởng thành và các Okami (mẹ). Sau đó học đi đứng 2g đồng hồ. Đến 11g sẽ học đàn samisen (loại đàn truyền thống một geisha bắt buộc phải biết sử dụng).

Bữa trưa sẽ được ăn lúc gần 2g chiều. Rồi học múa, cách tiếp khách trước khi đi theo các geisha đến các trà quán, tửu lâu để thực tập và tiếp cận với nghề”- Yamuka kể. Trong suốt thời gian học việc, một maiko như Yamuka hầu như không được tiếp xúc với bạn trai, hay người nhà trừ khi có việc gấp.

“Tất cả bó buộc trong các “Okiya” (những lớp đào tạo geisha –NV). Nhưng không ai dám phàn nàn về việc này mà coi đó là nơi thực hiện giấc mơ” – cô nói dường như rất vừa lòng với hơn “2.000 ngày khổ ải”.

Một sự đánh đổi không hề nhỏ

Theo “đàn chị” của Yamuka, geisha có tiếng ở phố Gion, cái giá của việc trở thành một Geisha đánh đổi bằng việc họ phải xa gia đình, xa người yêu để bước vào một thế giới hoàn toàn khác.

Và khi đó, cô gái ấy phải dành toàn tâm toàn lực vào việc đào tạo chính mình từ một người giúp việc, dọn dẹp thậm chí là một nô lệ cho các Geisha “tiền bối” trước khi trở thành một người giải trí chuyên nghiệp, một chiêu đãi viên hạng sang.

geisha13Tiếp khách, geisha học 4 năm mới hoàn thiện phần này.

Nhưng khi đã là một geisha chính thức, họ bắt đầu được hưởng rất nhiều ưu ái, có thể tự do lựa chọn quần áo đẹp và trở thành “hướng dẫn viên” cho các cô gái trẻ mới bước vào nghề.

Cùng làm lễ “thay đổi cổ áo” với Yamuka còn 3 cô gái khác. Trong đó chỉ có Shima, 22 tuổi, là người bản địa của cố đô Kyoto và cũng là người trẻ nhất. Mặc dù là người trẻ nhất trong những người tốt nghiệp nhưng Shima cũng đã phải học mất 8 năm mới chính thức trở thành geisha . “Quãng thời gian đó có khi còn đáng nhớ hơn cả lúc đi làm một geisha thực thụ” – Shima chia sẻ...

Mời bạn đọc đón xem kỳ 5 của loạt bài: "Khi geisha trở thành đồ hiếm"  trên Tintuc.vn vào 9h ngày 28/2. Trân trọng!

Post a Comment

 
Top