Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.
Theo Quyết định 306/QĐ của Thủ tướng vừa ban hành về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ 15/3/2016, mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 50 triệu đồng, thay vì được vay tối đa 30 triệu đồng như hiện nay.
Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng. Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.
Điều kiện để được vay là người vay vốn phải có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được UBND xã nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh xác nhận; người vay vốn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra người vay còn phải có vốn tự có, bao gồm: giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, lao động, tiền vốn, tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh; cam kết sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản bảo đảm tiền vay.
Quyết định cũng điều chỉnh mức bảo đảm tiền vay quy định tại điều 10 Quyết định số 31/2007 ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.
Cụ thể, người vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Người vay vốn từ trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Quyết định này áp dụng cho những khoản vay được ký hợp đồng mới kể từ ngày15/3/2016, không thực hiện cho vay bổ sung đối với dư nợ cũ của hợp đồng đã ký trước thời gian điều chỉnh mức cho vay theo quyết định này.
Trong một quyết định mới khác liên quan đến cho vay, thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế được vay tối đa 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.
Thương nhân vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Còn thương nhân vay vốn trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước đó, theo quy định cũ tại Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.
Post a Comment