Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định: "Nếu tháp truyền hình VTV không sử dụng ngân sách lại có nhiều lợi ích thì chắc ai cũng ủng hộ".

“Nếu tháp truyền hình của VTV không đạt được mục đích, không có hiệu quả thì không ai ủng hộ cả và Thủ tướng cũng sẽ không phê duyệt”.

Đó là khẳng định của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định trước câu hỏi của báo giới về đề xuất xây tháp truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với tổng kinh phí ước tính lên tới 1,5 tỷ USD.

Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 29/2, ông Định cho biết, chủ trương xây dựng tháp truyền hình của nước ta đã có từ Đại hội 8 của Đảng. Đến năm 1995, trong một quyết định của Thủ tướng Chính phủ bấy giờ về phê duyệt phát thanh truyền hình có nói phải xây dựng tháp truyền hình.

Tháp truyền hình này là tháp đa mục tiêu, không chỉ sử dụng cho kỹ thuật truyền hình mà còn nhiều mục tiêu khác nhau, ngoài ra còn là điểm nhấn về du lịch, thương mại, thậm chí lúc bấy giờ còn nói cả bưu điện nữa. Sau đó, đến năm 1997, VTV cũng trình xây dựng tháp cao 350m và sau này Thường trực Chính phủ cũng nhiều lần bàn nhưng ngân sách lúc ấy rất khó khăn, phải dành ưu tiên cho các mục tiêu khác. Cho nên việc này có từ lâu rồi, nhưng dừng lại vì lý do ngân sách phải dành ưu tiên cho các mục tiêu khác.

Đến năm 2013, VTV tiếp tục trình Thủ tướng về chủ trương xây dựng một tháp truyền hình đa mục tiêu, như trong quy hoạch phát thanh truyền hình đã được phê duyệt từ 1995 và sau này cũng đã được bổ sung trong quy hoạch, chiến lược phát triển của VTV.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin Truyền thông, Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội… cho ý kiến thống nhất với VTV trình Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng một tháp truyền hình đa mục tiêu, tạo điểm nhấn, một biểu tượng cho Hà Nội, và không sử dụng ngân sách Nhà nước.

“Với mục tiêu tốt như vậy, không sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm lợi ích cho nhân dân vùng có thể phải giải phóng mặt bằng, bảo đảm lợi ích của Hà Nội, của Nhà nước, thu hút lao động, du lịch, tạo điểm nhấn cho Thủ đô… thì Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao cho VTV phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự án, chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia, mời tư vấn nước ngoài có uy tín để xây dựng dự án”, ông Định nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng đề án, VTV cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù. Tuy nhiên, Thủ tướng đã chỉ đạo và VTV cùng với các bộ, ngành có liên quan đang  phối hợp xây dựng dự án tiền khả thi, trong đó có tất cả các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thủ tướng cũng giao cho VTV phối hợp với các bộ, ngành, về những đề xuất ưu đãi của VTV nếu cái gì thuộc thẩm quyền các bộ, ngành thì các bộ ngành xử lý, nếu vấn đề thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì các bộ, ngành tổng hợp trình Thủ tướng nhưng phải theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ. Hiện dự án đang trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi có nghiên cứu tiền khả thi, Thủ tướng sẽ giao các bộ, ngành có liên quan thẩm định, trình Thủ tướng và chỉ khi nào các vấn đề về cơ chế huy động vốn, bảo đảm lợi ích chung của Nhà nước, nhân dân, của nhà đầu tư rồi cơ chế thu hồi vốn, các vấn đề liên quan đến lợi ích tổng thể về kinh tế-xã hội, thương mại, du lịch thì lúc đó Thủ tướng sẽ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Nếu không đạt được mục đích, không có hiệu quả thì Thủ tướng sẽ không phê duyệt”, Phó chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Liên quan đến chất vấn của báo giới liệu việc xây tháp truyền hình có phải là kinh doanh ngoài ngành hay không, cơ chế cụ thể mà VTV đề nghị có trái luật hay không…, người phát ngôn Chính phủ cho hay, đến thời điểm này chưa phải lúc đánh giá và xem xét vì chưa có dự án. Bao giờ có dự án thì những nội dung dự án sẽ được thẩm định kỹ, xem xét kỹ rồi quyết định.

“Tôi hình dung thế này, nếu không sử dụng ngân sách Nhà nước, mà huy động được nguồn vốn xã hội hóa, Hà Nội lại có công trình cao 636m đẹp, thành công trình biểu tượng của Thủ đô, tạo công ăn việc làm, thu hút khách du lịch đến, chúng ta được hưởng thụ một công trình như vậy, nhân dân có lợi, Hà Nội có lợi, nhà nước có lợi, rồi nhà đầu tư có lợi, uy tín của Hà Nội tăng cao thì chắc chắn ai cũng ủng hộ. Nếu không đạt được mục tiêu mà lại trái luật thì không ai ủng hộ cả”, ông Định nêu quan điểm.

Post a Comment

 
Top