- Không chỉ có bác sĩ ở tỉnh mới bỏ bệnh viện công. Ngay tại TP.HCM, số BS sang đầu quân cho các BV, phòng khám tư ngày càng nhiều mà nguyên nhân là mức lương ở BV công không đủ sống, thiếu máy móc…
Không chỉ có bác sĩ (BS) ở tỉnh mới bỏ bệnh viện (BV) công; ngay tại TP.HCM, số BS sang đầu quân cho các BV, phòng khám tư ngày càng nhiều mà nguyên nhân là mức lương ở BV công không đủ sống, thiếu máy móc, phòng khám nhếch nhác, quá tải công việc…
Theo nhau nghỉ việc
Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 41 BS bỏ việc tại BV công. Tại Đăk Lăk, trong vòng ba năm, có 48 BS bỏ BV công. Tại BV Đa khoa khu vực Cái Nước (tỉnh Cà Mau), trong ba tháng gần đây, có 3/6 BS là trưởng khoa xin nghỉ việc. Trong hai tháng trở lại đây, BV Đa khoa Cần Thơ cũng có 10 BS, BV Đa khoa tỉnh Đăk Nông có năm BS nghỉ việc. Tại TP.HCM, dù chưa có thống kê, nhưng tình trạng BS bỏ BV công sang BV tư là không ít.
BS Phan Xuân Trung của Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, từng làm cho một BV công, cho rằng, việc BS bỏ BV công sang “đầu quân” cho các BV tư là điều tất yếu. Làm ở BV công, BS không chỉ nhận lương thấp mà còn bị áp lực do tình trạng quá tải bệnh nhân (BN), phòng bệnh xuống cấp, máy móc thiếu thốn; BS không đủ thời gian tư vấn cho người bệnh, thậm chí còn phải ăn gấp, thở gấp. Ngược lại, người bệnh thì quát mắng BS, thậm chí rượt đuổi, đe dọa BS, nhất là ở các phòng cấp cứu…
Trong khi đó, ở các BV tư, phần lớn BN đến khám là những người có điều kiện kinh tế khá giả, có trình độ học vấn nên khi xảy ra sự cố, họ cũng bình tĩnh nghe BS giãi bày. BS ở BV tư được tiếp người bệnh trong phòng máy lạnh, hưởng mức lương đảm bảo, có đầy đủ máy móc để yên tâm điều trị, tập trung vào chuyên môn khám chữa bệnh. Lúc đó, họ cảm thấy yêu nghề y hơn. “Tôi đã lựa chọn con đường thích hợp cho mình”, BS Trung nói.
9g sáng một ngày cuối tháng 11/2016, sau khi ký xong một xấp hồ sơ bệnh án, BS N. của BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) tranh thủ xé gói mì tôm ra, tự nấu nước sôi, pha chế mì. Thấy vậy, tôi trêu: “BS BV Nhi Đồng 1 mà ăn mì tôm thì BS ở các BV khác chắc đói hết”. BS N. giãi bày: mì được cấp từ… chế độ độc hại.
Trước đây, mỗi tháng phụ cấp chế độ độc hại là 70.000 đồng/người nhưng bây giờ chỉ có những BS ở khoa Nhiễm (có tiếp nhận BN HIV), khoa X-quang (chịu ảnh hưởng tia X), khoa Gây mê (hít phải thuốc mê) thì mới được giữ lại chế độ này, còn các khoa khác thì không có, kể cả khoa Cấp cứu là khoa nhận tất cả các bệnh nguy hiểm ban đầu. Chế độ bồi dưỡng độc hại bây giờ chuyển sang thành hai gói mì tôm/ người nhưng phải ba-bốn tháng mới có.
BS ăn mì gói do BV phát
“Lúc đầu cũng không có, chúng tôi phải kêu dữ lắm, kêu không phải để cho mình mà cho các anh chị em điều dưỡng. Ngay bản thân tôi, làm nghề trên 20 năm nhưng tổng lương và phụ cấp cũng mới 11 triệu đồng/tháng, lại phải nuôi cả gia đình. Các BS mới ra trường thì tổng thu nhập cao lắm cũng 6 triệu đồng/tháng. Do đó, nhiều BS làm lâu năm cũng ngậm ngùi bỏ BV ra đi, như BS N. (khoa Tai Mũi Họng), BS K. (khoa Thận) cũng bỏ sang BV tư, và mới đây là BS T. (Phó khoa Sốt xuất huyết) cũng xin ra làm cho một phòng khám tư…” – BS. N. ngao ngán nói.
BS H. của BV Trưng Vương (TP.HCM) rầu rĩ: “Ở BV tư, người bệnh bước chân vào là thấy sạch bóng, máy lạnh chạy phà phà, BS trông sang chảnh, muốn khám, tư vấn cho BN bao lâu cũng được. Ngược lại, ở BV Trưng Vương, mỗi khi có trận mưa lớn thì nước ngập lênh láng, các cô y tá còn bắt được cả cá và mới đây lại bắt được cả lươn. Nhiều lần, tôi suy nghĩ tới lui có nên bỏ BV ra làm cho tư nhân hay không. Ra đi thì dễ, chỉ cần nộp hồ sơ thì sau 45 ngày sẽ được; nhưng nghĩ lại, đây là nơi đầu tiên tiếp nhận khi mình mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, đi thì áy náy, mất nghĩa mất tình, còn ở lại thì quá áp lực”.
Theo BS H. trung bình một ngày, một BS phải khám cho 100 ca bệnh và phải xử lý cho xong trong tám giờ, tức một BN chỉ được tiếp xúc trong vòng 4,8 phút (nhận sổ, khám bệnh, ghi toa…). Như vậy làm sao tư vấn kỹ được cho BN? Dần dần, BS trở nên dễ cáu gắt, còn BN cũng bị ức chế.
“Vậy mà thu nhập từ nghề BS của tôi mỗi tháng cũng chỉ được 10 triệu đồng. Lương BV không đủ, tôi phải đi dạy ở trường đại học, mở thêm phòng khám nhưng khá ế ẩm. Mỗi ngày, tôi phải làm việc đến 9g tối mới về nhà và tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 15 triệu đồng. Để có tiền đưa vợ nuôi con, nhiều lần tôi bấm bụng xin cơm từ thiện phát trong BV để ăn. Một lần, khám cho một BN nam, ông chia sẻ ông đăng ký chạy xe ôm Grab Bike, chạy đến 8g tối thì kiếm được 15 triệu đồng/tháng, nghe khoái quá nên tôi cũng về bàn với vợ lấy xe ra đăng ký chạy lúc rảnh rỗi. Thế nhưng, chạy dợt vài lần thì bố mẹ càm ràm vì BS mà chạy xe ôm thì không giống ai, nên tôi không làm nữa” – BS N. ngậm ngùi tâm sự.
Nếu không thay đổi, BS tiếp tục bỏ BV
BS Phan Xuân Trung phân tích: sắp tới đây, khi Nhà nước không “nuôi” nữa, các BV công sẽ trở thành những doanh nghiệp, tự lo thu chi tài chính, tự trả tiền cho nhân viên, thì nguy cơ BS bỏ đi càng cao nếu BV công không chịu thay đổi.
Vì BV công chỉ là một khái niệm để nói đến những BV hoạt động với mục đích bảo trợ cho một số nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa đủ khả năng chi trả toàn bộ viện phí.
Một khi hệ thống y tế chuyển dịch theo nền kinh tế thị trường, viện phí nâng lên, giá cả được tính đúng tính đủ thì giá cả ở BV công không khác gì BV tư. Lúc đó, khái niệm BV công sẽ không còn ý nghĩa và cũng là lúc BS sẽ tự chọn nơi nào làm việc tốt nhất cho mình. Đây là điều đáng mừng.
Nhiều nước trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… đã tạo được nguồn thu rất lớn từ y tế. BV ở Việt Nam cũng có máy móc hiện đại như các nước, và có chất lượng điều trị gần như tương đương nhưng giá cả điều trị ở Việt Nam quá thấp.
Theo BS Phan Xuân Trung, nếu BV công biết tự vận hành, phát triển theo kinh tế thị trường thì hệ thống y tế Việt Nam sẽ chú tâm vào việc cải tiến máy móc, đào tạo BS có chất lượng hơn và thu hút ngoại tệ nhiều hơn. Lúc đó, BV công cũng không còn “ban ơn” cho người bệnh mà phải xem người bệnh là khách hàng. BS giám đốc nào không điều hành được thì xuống làm chuyên môn hoặc thuê người về làm quản lý, chứ không còn cơ cấu chức vụ như hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế y tế nhìn nhận, BV công chuyên khoa sẽ dễ dàng cải tổ giống BV tư và thu nhập ổn định hơn so với BV đa khoa. BV Răng Hàm Mặt TP.HCM là một trong những BV đi đầu về đổi mới, xây dựng phòng khám bệnh bên trong giống như khách sạn, kéo người bệnh đến đông và tăng thêm thu nhập cho BS.
Thạc sĩ – BS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TP.HCM chia sẻ: “Hiện nay, để giữ chân BS ở lại BV công là rất khó vì nhiều người không còn xem trọng vấn đề biên chế nhà nước như trước nữa mà quan tâm đến việc thu nhập có ổn định, có đủ sống hay không; đồng thời, môi trường làm việc phải tốt, từ mối quan hệ đồng nghiệp cho đến máy móc, phòng khám”.
Theo BS Minh, nhờ BV tự thu tự chi nên từ nguồn vốn thu được, BV đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa sang phòng khám vì thế dù BN rất đông mà vẫn không cảm thấy quá tải.
BV cũng tạo điều kiện cho các BS, điều dưỡng khám thêm ngoài giờ để cải thiện thu nhập. Mỗi BS làm thêm ngoài giờ thì tổng thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, còn y tá cũng khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập này chưa bằng BV tư, nhưng thuộc dạng cao trong hệ thống BV công lập hiện nay. Thành công này là nhờ BV cho phép mỗi khoa/phòng tự quyết định mọi chính sách ở khoa/phòng mình nhưng phải tự chịu trách nhiệm nếu làm không đúng.
BV cũng tạo điều kiện cho BS đi học thêm về các lĩnh vực mới và cơ cấu những BS có năng lực vào những vị trí chủ chốt để cùng thúc đẩy BV phát triển, chứ không cho một BS kiêm nhiệm nhiều chức vụ.
Văn Thanh / PNO
Post a Comment