'Vỗ mông tỏ tình', 'ăn trộm cầu may', 'Gọi hồn' hay 'bắt chồng' là những phong tục vô cùng độc đáo của các dân tộc ở Việt Nam trong dịp đón năm mới.
Tục 'vỗ mông tỏ tình' dịp năm mới của người Mông
Ảnh: Lao Động
Tục 'vỗ mông tỏ tình' của người Mông là một nét văn hóa đẹp và cũng là thứ tình cảm, lời tỏ tình độc đáo có một không hai. Khi xuân đến, khắp các thôn bản, trai gái lại hòa mình vào những tiếng sáo, điệu khèn của đêm hội xuân tình ngây ngất và họ tìm đến nhau bằng tục lệ kỳ lạ này.
Theo Lao Động, trong ngày hội xuân, thanh niên thường đi thành tốp nữ, tốp nam. Trong khi các chàng trai trổ tài, chứng tỏ sức mạnh qua các trò chơi kéo co, đẩy gậy, thổi sáo, múa khèn… thì các cô gái lại xúng xính trong quần áo mới đầy hớn hở nhưng không thiếu vẻ đằm thắm, dịu dàng. Họ cũng không quên đưa mắt chọn lựa người trong mộng cho mình. Khi ánh mắt tình tứ đã tìm thấy nhau, cô gái nhẹ nhàng, kín đáo tách khỏi đám đông. Chàng trai hiểu ý bước theo tiếp cận, dùng tay vỗ vào mông “đối tác” của mình rồi buông lời tâm tình, đường mật. Ưng bụng, cô gái quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai đáp lại tình cảm. Cứ như thế, đôi trai gái vừa đi, vừa vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ “9 cặp” - tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng.
Nếu trong ngày hôm đó, cả hai không hoàn thiện đủ "9 cặp", họ lại hẹn nhau tới ngày hôm sau. Còn nếu không thể gặp lại, họ xem như cả 2 chưa có duyên thành đôi.
Người Dao và phong tục 'ăn trộm cầu may'
Theo Dân Việt, vào ngày đầu tiên của năm mới, tất cả người Dao tại các bản sẽ tập trung ở một nơi được chọn trước để thực hiện những nghi lễ cổ truyền. Ngay sau đó, tất cả từ già, trẻ, gái, trai đều cùng nhau diễu hành qua các nhà cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn ồn ã, đi đến đâu, họ đều cố gắng lấy trộm vật nào đó từ các gia đình 2 bên. Người Dao quan niệm, càng ăn trộm được nhiều thì năm đó càng may mắn.
Ngược lại, trong lúc “hành sự” nếu bị gia chủ bắt gặp sẽ bị phạt uống rượu và cả năm đó coi như không may. Vì tục này không mang nặng tính vật chất nên người Dao thường chỉ ăn trộm những thứ như rau cỏ, thịt, trứng,...trong gian bếp để tượng trưng. Kết thúc hôm đó, những tên trộm sẽ đem chiến lợi phẩm trả lại cho các gia đình để xin thưởng.
Tục 'gọi hồn' vào dịp Tết của người Thái
Người Thái cũng đón Tết như người Kinh, song họ có một tục lệ vô cùng độc đáo vào 2 ngày cuối năm - tục 'gọi hồn'. Theo đó, trong 2 ngày 29 và 30 (Âm lịch), mỗi nhà trong bản thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, còn một để gọi hồn những người trong gia đình.
Thầy cúng lấy áo của từng thành viên trong gia đình, bó chặt một đầu với nhau rồi vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng và gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2-3 lần, thầy cúng về chân cầu thang của nhà này gọi thêm một lần nữa. Tới lúc cuối, thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên của gia đình đó để trừ tà ma.
Độc đáo lễ hội 'bắt chồng' ở Tây Nguyên
Theo Người Lao Động, mỗi năm, mùa 'bắt chồng' ở Tây Nguyên diễn ra từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng 3. Lễ bắt chồng phải diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm. Nếu cả 2 dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích có thể trả lại nhưng đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi chàng trai chấp nhận.
Trước hôm cưới một ngày, buôn làng tổ chức 'đêm hội bắt chồng'. Trong buổi này, các cặp đôi phải đọc một số câu luật tục riêng của dân tộc mình. Tới ngày cưới, chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn và trao lại cho nhau. Một tuần sau, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ còn chàng trai thì đưa cho mẹ vợ.
Post a Comment