Thông minh và đạo đức, yếu tố nào mới là nền tảng quan trọng hơn tạo nên sức mạnh của một cá nhân, một quốc gia? Cùng tìm hiểu điều này qua câu chuyện về bài học kinh nghiệm của một du học sinh Pháp dưới đây.
(Hình minh họa: Qua Twitter)
Trước đây, trong một chương trình truyền hình có phát cuộc phỏng vấn với một vị doanh nhân thành đạt. Khi chương trình đang đi đến hồi kết thì người dẫn chương trình đã đưa ra một vấn đề:
Người dẫn chương trình hỏi: “Xin ngài cho biết, phẩm chất then chốt nhất để một người đạt được thành công là gì?”
Trầm tư một lát, vị doanh nhân không trực tiếp trả lời thẳng câu hỏi ấy mà bắt đầu kể lại một câu chuyện:
12 năm trước, có một chàng thanh niên vừa tốt nghiệp trung học đặt chân tới nước Pháp, bắt đầu cuộc sống du học sinh vừa học vừa làm.
Khi đã dần quen với cuộc sống nơi đây, cậu phát hiện ra hệ thống bán vé xe buýt gần nơi mình ở là hoàn toàn tự động. Nghĩa là bạn hoàn toàn chủ động trong việc mua vé, trả tiền, chọn điểm đến. Không có thiết lập cửa soát vé, và cũng không có nhân viên kiểm tra vé. Thậm chí, ngay cả bộ phận kiểm tra ngẫu nhiên, thí điểm cũng rất hiếm.
Cậu thanh niên phát hiện ra sơ hở trong cách quản lý này, hay nói theo cách mà cậu ấy suy nghĩ thì đó chính là “lỗ hổng” có thể lợi dụng được. Vốn là người thông minh, cậu liền tính ngay ra được xác suất chính xác như sau: Tỷ lệ trốn vé bị phát hiện chỉ là: 3/10.000, tức là cứ 10 nghìn người trốn vé thì mới có 3 người bị phát hiện ra.
Cậu đã vô cùng đắc ý khi đã phát hiện ra điều này. Từ đó về sau, cậu thường xuyên đi xe trốn vé. Cậu cũng tự tìm ra một lý do để trấn an mình: “Mình vốn vẫn chỉ là một học sinh nghèo thôi, có thể tiết kiệm được một khoản chi tiêu cũng tốt.”
Đạo đức là nền tảng để tăng sức mạnh cho một cá nhân, một quốc gia. (Hình minh họa: Qua shutterstock.com)
4 năm trôi qua, cậu thanh niên ấy đã trở thành cử nhân. Cầm trên tay tấm bằng xuất sắc của một trường đại học danh tiếng, trong lòng cậu tràn ngập tự tin. Cậu bắt đầu nộp đơn ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia có danh tiếng ở Paris. Cậu rất đắc ý về những điểm mạnh cũng như kết quả học tập của mình.
Nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược với mong muốn và dự đoán của cậu. Các công ty mà cậu nộp đơn ứng tuyển đều nhiệt tình tiếp đón nhưng sau đó lại nhẹ nhàng nói lời từ chối. Thất bại liên tiếp khiến cậu thanh niên phẫn nộ. Cậu cho rằng các công ty này đều là phân biệt chủng tộc và có khuynh hướng bài xích người châu Á.
Cuối cùng, không thể nhẫn nhịn được nữa, cậu tới gặp thẳng giám đốc nhân sự của công ty mà cậu đã nộp đơn ứng tuyển để yêu cầu họ nói cho mình biết một lý do hợp lý. Câu trả lời mà vị giám đốc ấy đưa ra, đã thực sự khiến cậu vô cùng sửng sốt.
Vị giám đốc nhân sự nói: “Xin chào bạn! Chúng tôi không kỳ thị mà ngược lại còn rất xem trọng bạn. Mục tiêu phát triển của chúng tôi chính là thị trường ở quê hương bạn. Vì thế chúng tôi cần một số nhân tài bản địa để có thể giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu này. Khi nhìn đơn xin việc của bạn, nhìn vào kinh nghiệm học tập và khả năng của bạn chúng tôi thực sự rất ấn tượng. Thành thật mà nói, bạn chính là người mà chúng tôi đang cần tìm”.
Cậu thanh niên vội vã hỏi: “Vậy xin hỏi ông, vì sao quý công ty lại không cho tôi một cơ hội?“.
Vị giám đốc nhân sự giải thích một cách từ tốn: “Khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện bạn từng bị xử phạt 3 lần vì đi xe buýt công cộng trốn vé“.
(Hình minh họa: Qua ebooks.edu.vn)
Cậu thanh niên lại nói: “Tôi không phủ nhận việc đó. Nhưng lẽ nào chỉ vì một việc nhỏ như vậy mà các ông có thể bỏ qua một nhân tài từng được đăng luận văn trên báo?“.
Vị giám đốc nhân sự ngạc nhiên hỏi: “Việc nhỏ sao? Chúng tôi lại không nghĩ thế. Chúng tôi biết rằng, lần đầu bạn trốn vé là sau khi tới Pháp 1 tuần. Nhân viên soát vé đã tin lời giải thích khi đó của bạn rằng mình chưa quen với hệ thống mua vé tự động ở nước chúng tôi. Họ chấp nhận cho bạn mua vé bù. Nhưng sau đó, bạn vẫn tiếp tục trốn vé 2 lần nữa“.
Cậu thanh niên giải thích: “Lúc đó túi tôi không có tiền lẻ“
Vị giám đốc nhân sự nói: “Không! Không thưa bạn. Tôi không đồng ý với cách giải thích này của bạn. Chắc bạn đang cố tình thử thách chỉ số thông minh của tôi? Tôi tin rằng, trước khi bị phát hiện, có lẽ bạn đã trải qua vô số lần đi xe buýt trốn vé như vậy rồi.“
Cậu thanh niên nói: “Vậy cũng không có nghĩa là tôi sẽ phải chịu tội này đến lúc chết. Sao các ông lại quá nghiêm túc như vậy? Sau này tôi thay đổi không được sao?“.
Vị giám đốc nhân sự nói: “Không thưa bạn, qua sự việc này có thể chứng minh hai điểm:
Thứ nhất: Bạn là người không tôn trọng quy tắc. Không những vậy, bạn còn cố ý tìm ra sơ hở trong quy tắc để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Thứ hai: Bạn là người không đáng để tin tưởng. Có rất nhiều việc của công ty chúng tôi cần đến sự tín nhiệm hoàn toàn. Người không có tín nhiệm thì không thể giao phó. Nếu bạn phụ trách phát triển thị trường ở một khu vực nào đó, công ty sẽ phải giao phó cho bạn rất nhiều quyền hạn. Để tiết kiệm chi phí, công ty chúng tôi không thể lập nên một bộ máy giám sát phức tạp mà chỉ có thể hoạt động giống như hệ thống giao thông công cộng tự động.
Cho nên, công ty chúng tôi không có cách nào để tiếp nhận bạn được. Chính xác mà nói, thì là ở quốc gia này hay thậm chí có đi khắp châu Âu này, bạn cũng sẽ khó tìm được một nơi nào có thể tuyển dụng bạn“.
Lúc này, cậu thanh niên mới như bừng tỉnh cơn mê, cảm thấy hối hận khôn cùng. Tuy nhiên, điều thực sự khiến cậu bị kinh động chính là câu nói cuối cùng của vị giám đốc kia:
“Đạo đức thường thường có thể bù đắp được những thiếu hụt về trí thông minh, nhưng trí thông minh lại vĩnh viễn không thể bù đắp được những thiếu hụt về đạo đức.”
An Hòa (biên dịch) / Trí thức Vn
Post a Comment