Đo tốc độ 4G đo bằng speedtest trên các dòng máy và đời máy khác nhau tại buổi trải nghiệm 4G của một nhà mạng.
Mặc dù đã cho khách hàng sử dụng dịch vụ nhưng giá gói cước 4G của các nhà mạng vẫn còn là ẩn số.
Cuộc đua ngầm?
So sánh mức chênh lệch gói cước 4G (tương đương về giá và dung lượng) giữa các nhà mạng (niêm yết giá), cũng như việc chưa công bố gói cước 4G, cho thấy, khả năng sẽ có một cuộc “đua ngầm” hoặc điều chỉnh giá cước 4G trong thời gian tới.
Đối với Viettel - nhà mạng đang cung cấp 4G trên phạm vi toàn quốc, niêm yết 6 gói, gồm gói 4G0, tính phí theo lưu lượng sử dụng, giá 60đ/MB (theo block 50Kb+50Kb), tối đa 10GB/tháng; gói 4G40 (40 nghìn/tháng, dung lược 1GB); gói 4G70 (70 nghìn/tháng, dung lượng 2GB); gói 4G90 (90 nghìn/tháng, dung lượng 3GB); gói 4G125 (125 nghìn/tháng, 5GB) và gói 4G200 có giá 200 nghìn đồng và dung lượng là 10 GB.
Mạng VinaPhone niêm yết ba gói cước, gồm SPEED79 (2GB tốc độ cao), SPEED199 (6GB), SPEDD299 (10GB) với giá tương ứng là 79 nghìn đồng, 199 nghìn và 299 nghìn đồng, thời gian sử dụng 30 ngày.
Ngoài ra, nhà mạng này còn công bố các gói data X15/25/35/4G (với cước phí 15 nghìn đồng/lần, 25 nghìn, 35 nghìn và 39 nghìn, với dung lượng tương ứng là 350MB data tốc độ cao, 600MB, 1GB và 1.2GB) để người dùng mua thêm sau khi sử dụng hết lưu lượng các gói cước trên để được tiếp tục sử dụng dịch vụ data.
VinaPhone cho biết, các gói cước 4G được công bố trên website vẫn chỉ để… “tham khảo”, nhà mạng chưa chính thức áp dụng. Còn người dùng khi đăng ký sử dụng dịch vụ 4G sẽ được tính giá theo các gói cước 3G như hiện hành, nhưng tốc độ mạng là 4G. “Khi nào chính thức khai trương dịch 4G VinaPhone mới công bố cụ thể các gói cước 4G”, đại diện mạng di động này, cho biết.
Tương tự, MobiFone cũng cho biết, tại những tỉnh thành phố hiện có 4G, nhà mạng cũng đã cho người dùng đổi SIM và đăng ký dùng dịch vụ 4G, tuy nhiên, giá gói cước 4G vẫn được tính theo các gói cước 3G hiện hành của nhà mạng. Và đại diện mạng này cũng cho biết khi nào khai trương 4G thương mại trên phạm vi rộng lúc đó nhà mạng mới chính thức công bố các gói cước 4G.
Trong khi nhà mạng chưa công bố gói 4G chính thức trên website (ở thời điểm hiện tại) nhưng ít ngày gần đây, trên một số diễn đàn và trang thông tin, đã “lộ” thông tin về gói cước 4G của MobiFone, theo đó, các gói cước 4G còn thấp hơn nhiều so với các gói cước 3G mà nhà mạng này đang cung cấp.
Cụ thể, mức cước của các gói 4G này gồm, 4GM70 giá 70 nghìn và dung lượng là 2,4GB, 4GM90 (90 nghìn), dung lượng 3,5GB, 4GM120 (120 nghìn), dung lượng 6GB và 4GM200 (200 nghìn), dung lượng 11GB.
Tuy nhiên, MobiFone khẳng định, nhà mạng chưa hề cung cấp các gói cước 4G trên, vì thế, các gói cước 4G này là không đúng.
Do chưa có đầy đủ các gói cước chính thức của các nhà mạng nên việc so sánh có thể không chính xác. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà mạng dự kiến sẽ cung cấp gói cước 4G như đã niêm yết (với VinaPhone) hoặc không chính thức như trên của MobiFone, thì có thể thấy, mức độ chênh lệch về giá gói cước và dung lượng 4G giữa các nhà mạng là khá nhiều. Điều này chắc chắn sẽ tác động lớn đến quyết định sử dụng dịch vụ 4G của người dùng.
Theo đại diện một nhà mạng, chẳng nhà mạng nào lại để gói cước của mình chênh lệch cao hơn so với nhà mạng đối thủ cả, vì như thế sẽ mất lợi thế để thu hút khách hàng và thậm chí có thể còn đánh mất khách hàng (3G) hiện có vì chuyển sang mạng có gói cước 4G rẻ hơn – trong khi, 4G được nhìn nhận sẽ là một trong những “lực đẩy” quan trọng để giữ chân, phát triển thuê và làm tăng doanh thu cho nhà mạng.
“Vì thế, các mạng sẽ phải điều chỉnh, đưa gói cước 4G về mức tương đương thì mới cạnh tranh được”, vị đại diện này cho biết.
Việc xây dựng các gói cước (mức cước) 4G sẽ căn cứ chính vào giá thành của mỗi nhà mạng (quy mô, chi phí đầu tư) và có thể chịu tác động từ các yếu tố quy mô, độ phủ 4G của từng nhà mạng. Ví dụ, với những mạng có độ phủ 4G thấp, không rộng khắp (tức không có lợi thế về quy mô) sẽ khó khăn trong việc xây dựng các gói cước rẻ hoặc rất rẻ, vì như thế sẽ bán lỗ.
Trong khi đó, những mạng có lợi thế về quy mô (như Viettel) thì cũng khó đưa ra các gói cước rẻ hoặc rất rẻ bởi có thể phải chịu những quy định về nhà mạng có thị phần khống chế (hiện Viettel là mạng duy nhất có thị phần khống chế) nên không phải “cứ muốn là cung cấp các gói rẻ hoặc rất rẻ” để chiếm lĩnh thị phần.
Post a Comment